Chiến Dịch

Điện Biên Phủ

Trang thông tin Chiến thắng Điện Biên Phủ tái hiện 56 ngày đêm quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, phân tích đường lối chính trị và nghệ thuật quân sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn bè quốc tế.

Diễn tiến chiến dịch

28/04 Ngày 28/4/1954: Cônhi điện cho Nava báo cáo kết quả thả dù cứu viện chỉ là con “số không”
13/03 Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn
14/03 Địch tăng cường cho Điện Biên Phủ, ta tiến công cứ điểm Đồi Độc Lập
15/03 Ngày 15/3/1954: Ta chiếm lĩnh cụm cứ điểm Độc Lập
16/03 Ngày 16/3/1954: Pháp nhận ra những nhược điểm khó khắc phục của “con nhím Điện Biên Phủ”
17/03 Ngày 17/3/1954: Bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo
18/03 Ngày 18/3/1954: Tiến hành xây dựng trận địa tiến công, đào chiến hào chuẩn bị cho Đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ
19/03 Ngày 19/3/1954: Đờ Cát-xtơ-ri thông báo việc mất Điện Biên Phủ là khó tránh khỏi
20/03 Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên bộ đội xây dựng trận địa
21/03 Các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công
22/03 Ngày 22/3/1954: Mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và máu của chiến sĩ Điện Biên
23/03 Ngày 23/3/1954: Quân và dân đồng bằng bắc bộ phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ
24/03 Ngày 24/3/1954: Các sĩ quan chỉ huy không quân Pháp hoang mang tột độ
25/03 Ngày 25/3/1954: Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai
26/03 Ngày 26/3/1954: Đẩy lùi được các cuộc tiến công bịt hào của địch
27/03 Ngày 27/3/1954: Sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị tê liệt
28/03 Ngày 28/3/1954: Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh gửi các Đại đoàn 312, 316, 308, 304, 351
29/03 Ngày 29/3/1954: Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể chiến sĩ chuẩn bị bước vào chiến đấu đợt 2
30/03 Ngày 30/3/1954: Đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu
31/03 Ngày 31/3/1954: Các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày
01/04 Ngày 1/4/1954: Bộ đội ta giành giật với địch từng tấc đất trên đồi A1, tiêu diệt cứ điểm 106
02/04 Ngày 2/4/1954: Ta gọi hàng cứ điểm 311, địch mở nhiều đợt phản kích chiếm đồi A1
03/04 Ngày 3/4/1954: Ta bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1, sử dụng lực lượng tiến công cứ điểm 105
04/04 Ngày 4/4/1954: Các đơn vị tạm dừng chiến đấu, củng cố trận địa
05/04 Ngày 5/4/1954: De Castries gửi điện yêu cầu Cogny tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ
06/04 Ngày 6/4/1954: Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập cán bộ dự hội nghị sơ kết đợt 2
07/04 Ngày 7/4/1954: Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đề nghị gặp Navarre để bàn cụ thể kế hoạch ném bom xuống Điện Biên Phủ
08/04 Ngày 8/4/1954: Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2; Pháp đề xuất gây mưa nhân tạo để chặn đường tiếp tế hậu cần của ta
09/04 Ngày 9/4/1954: Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong của địch tại đồi C1
10/04 Ngày 10/4/1954: Quân Pháp chiếm được một phần C1, bộ đội Trung đoàn 98 phải dùng lưỡi lê đánh giáp lá cà với địch
11/04 Ngày 11/4/1945: Đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa
12/04 Ngày 12/4/1954: Máy bay Pháp bị bắn rơi đã “cung cấp” thêm thuốc nổ để bộ đội ta đặt trong hầm A1
13/04 Ngày 13/4/1954: Bộ Tổng Tham mưu ra các chỉ thị xây dựng công sự phòng ngự, đánh lấn và huấn luyện tân binh
14/04 Ngày 14/4/1954: Chiến hào của bộ đội ta nhích dần đến gần phân khu trung tâm
15/04 Ngày 15/4/1954: Trung đoàn 141 chạm trán với lực lượng Pháp đi giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105 (Huguette 6)
16/04 Ngày 16/4/1954: Chiến hào của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 nối liền với nhau, cắt đôi sân bay Mường Thanh
17/04 Ngày 17/4/1954: Quân ta chuẩn bị kỹ trước khi tiến công cứ điểm 105 và 206 (Huguette 6, 1)
18/04 Ngày 18/4/1954: Quân ta tiến công tiêu diệt cứ điểm 105
19/04 Ngày 19/4/1954: Quán triệt sâu sắc nghị quyết của Trung ương Đảng
20/04 Ngày 20/4/1954: Quân ta tiếp tục bao vây chia cắt sân bay địch
21/04 Ngày 21/4/1954: Cách đánh sáng tạo của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308
22/04 Ngày 22/4/1954: Quân ta tiêu diệt cứ điểm 206 (Huguette 1)
23/04 Ngày 23/4/1954: Đánh địch rút chạy về Mường Thanh
24/04 Ngày 24/4/1954: Địch mở đợt phản kích hòng chiếm lại cứ điểm 206 và khu vực sân bay
25/04 Ngày 25/4/1954: Quân Pháp ném bom vào trại tập trung Noong Nhai giết hại 444 người dân
26/04 Ngày 26/4/1954: Không quân Pháp bắn phá trận địa và đường giao thông của ta
27/04 Ngày 27/4/1954: Sử dụng hệ thống loa phóng thanh để làm công tác địch vận

Ngày 28-04-1954

Ngày 28/4/1954, sân bay Mường Thanh hoàn toàn bị quân ta khống chế, địch chỉ còn cách thả dù. Trong ngày, bộ đội ta tiếp tục dùng lực lượng nhỏ vây ép đánh lấn địch dưới mặt đất, đồng thời tích cực bắn máy bay triệt nguồn tiếp viện của địch.

Trong thời gian này, lực lượng pháo cao xạ của Đại đoàn 351 cùng các đơn vị súng máy phòng không của các đại đoàn bộ binh tạo thành hệ thống lưới lửa khống chế Sân bay Mường Thanh và bầu trời Điện Biên Phủ trong tầm cao từ 3 kilômét trở xuống. Do vậy, máy bay địch phải thả dù ở độ cao trên 3 kilômét, cho nên 1/3 số dù đó đã rơi vào khu vực trận địa của ta.

Tình hình tiếp tế khó khăn đến nỗi Cônhi phải điện cho Nava báo cáo: “Kết quả thả dù tiếp viện cho Điện Biên Phủ ngày 28, đêm 28, ngày 29, đêm 29: Số không. Chỉ có Isabelle là nhận được 22 tấn”.

Theo điện báo cáo của Đờ Cát-xtơ-ri gửi Cônhi trước thời điểm quân ta mở đợt tiến công thứ ba thì tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ chỉ còn 275 viên đạn 155mm, 14 nghìn viên đạn 105mm, 5.000 viên đạn 120mmm và yêu cầu của Đờ Cát-xtơ-ri là tiếp tế khẩn cấp.

Cùng ngày, các đại đoàn chủ lực của ta triển khai kế hoạch và làm công tác chuẩn bị cho đợt tiến công đợt 3. Quân địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy (Kế hoạch Côngđo) nhưng bị thất bại.

Trên chiến trường phối hợp: Ngày 28/4/1954, quân ta đột nhập thị xã Nam Định tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn ngụy binh, bắt 20 cảnh binh ác ôn, 505 ngụy binh. Sáng hôm sau, quân ta lại chặn đánh quân tiếp viện của địch, diệt 100 tên; quân ta thu được 517 súng các loại, 105 hòm đạn, phá hủy 5 xe tăng, 21 xe các loại, một máy bay và 21 đại bác, đại liên của địch.

Ngày 13-03-1954

Ngày 13/3/1954, đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch đã được xác định, bộ đội ta nổ súng tiến công Him Lam, một trung tâm đề kháng mạnh gồm ba cứ điểm nằm trên ba quả đồi sát kề nhau bên đường số 41, do Tiểu đoàn 3 thuộc Bán Lữ đoàn lê dương số 13 (3è/13DBLE) phòng giữ. 17 giờ 5 phút, pháo binh ta tập trung hỏa lực giáng đòn cấp tập vào tập đoàn cứ điểm. Trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc lúc 23 giờ 30 phút cùng ngày; trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn tê liệt; hơn 300 tên địch bị tiêu diệt, khoảng 200 tên bị bắt sống; Tiểu đoàn 3 thuộc Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 bị xóa sổ hoàn toàn.

Cùng với nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, ngày 13/3/1954, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường toàn quốc chiến đấu phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện lệnh động viên của Đại tướng, tại tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), ngay trong ngày 13/3/1954, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định đưa bộ đội lên hoạt động ở phía bắc đường số 6A, mở khu du kích phía bắc huyện Chương Mỹ, khôi phục các khu du kích Liên Nam-tây Thường Tín, phá vỡ hệ thống đồn bốt địch nhằm phá kế hoạch bình định, càn quét của địch.

Trên mặt trận đường 5, tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An (nay thuộc Hải Phòng), ta đã huy động được hàng vạn dân quân du kích và bộ đội huyện lên phá hoại đường 5 và đường sắt; kết hợp đánh địa lôi lật đổ đoàn tàu địch, san bằng các tháp canh đường sắt ở Quán Ròn, Xuân Đào...

Tại các tỉnh Nam Bộ, ngày 13/3/1954, quân và dân Gò Công (nay thuộc Tiền Giang) đã bao vây, bức rút được 7 đồn bốt, trong đó có 4 đồn bốt khá lớn là Bình An, Tân Phước, Bến Chùa, Gia Lộc, diệt và bắt sống hơn 500 tên địch, thu hơn 200 súng và hàng tấn đạn. Bộ đội địa phương còn phối hợp bộ đội tỉnh, tổ chức nhiều trận đánh địch ở Làng Dài, Lò Than, bưng Cây Dương, đồng Bà Lá... làm tan rã tiểu đoàn 15 ngụy.

Ngày 14-03-1954

Để mất Him Lam khiến Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở bắc bộ bàng hoàng, nhưng thực dân Pháp cũng không thể làm được gì, bởi khu vực sân bay Mường Thanh bị pháo kích ta khống chế chặt chẽ. 7 giờ ngày 14/3/1954, pháo cao xạ của ta hạ chiếc máy bay đầu tiên.

Nhằm lấy lại tinh thần cho quân đồn trú và thay thế cho Tiểu đoàn lê dương vừa bị tiêu diệt, chiều 14/3/1954, Cônhi (René Cogny) liều lĩnh cho máy bay vượt qua lưới lửa phòng không của ta, thả Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (5è BPVN) xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ.

Theo kế hoạch, trận đánh đồi Độc Lập sẽ bắt đầu vào lúc 16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954. Đúng giờ G, bộ phận nghi binh nổ súng bắn cháy ba lều vải trên đồi A1 và xung kích tiến lên mở hàng rào. Pháo 105mm của địch từ Hồng Cúm và cối 120mm ở Mường Thanh nã đạn dồn dập vào trận địa của Tiểu đoàn 255. Nhưng ở đồi Độc Lập, do trời mưa, sơn pháo 75mm và cối 120mm của ta điều từ Him Lam sang không tới kịp trước giờ nổ súng cho nên cuộc tiến công chưa bắt đầu.

Đến 18 giờ, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào các cứ điểm địch, phá hoại công sự và uy hiếp tinh thần binh lính. Trong khi pháo bắn, bộ binh của ta tiếp tục chuẩn bị thật chu đáo, chờ sơn pháo 75 và cối 120 tới để tiến công...

Đêm 14/3/1954, ta mở cuộc tiến công vào trung tâm đề kháng đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm được coi là có tổ chức phòng ngự tốt nhất ở Điện Biên Phủ, do Tiểu đoàn 5, thuộc Trung đoàn Angiêri thứ 7 (5/7 RTA) và một đại đội lính ngụy Thái đóng giữ.

Ngày 14/3/1954, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận, số 131 đã đăng “Thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư của Bác đã có tác động mạnh mẽ, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, tiến lên đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày 15-03-1954

2 giờ sáng, ngày 15/3/1954, Trung đoàn 165/Đại đoàn 312 và Trung đoàn 88/Đại đoàn 308 tiến công Cụm cứ điểm Độc Lập. Đến 6 giờ 30, ta chiếm lĩnh trận địa, tiêu diệt Tiểu đoàn Bắc Phi tăng cường, diệt hơn 400 tên, bắt sống gần 200 tên. Trung tá Pirốt (Piroth), Chỉ huy pháo binh Tập đoàn cứ điểm tự sát vì không diệt được pháo đối phương như đã hứa với Nava.

Trong lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, vào lúc 4 giờ sáng ngày 15/3, Đờ Cát triệu tập cuộc hội ý cấp tốc tại Sở Chỉ huy bàn cách cứu vãn tình hình. Lăng-gơ-le đề nghị dùng Tiểu đoàn dù ngụy số 5 (biên chế bổ sung một đại đội của Tiểu đoàn dù số 1 và 1 đại đội xe tăng) tiến hành phản kích. 5 giờ 30 phút, xe tăng dẫn đầu cuộc phản kích với những đơn vị dù bám theo sau. Khi quân địch tới sườn phía nam đồi Độc Lập thì trời sáng rõ. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt, đến 7 giờ 30 phút, toàn bộ xe tăng và quân dù phản kích quay đầu tháo chạy về Mường Thanh. Trận đánh địch phản kích kết thúc thắng lợi. Tính chung trong trận Đồi Độc Lập, ta diệt gần 500 địch, bắt 200 tù binh trong đó có 2 tiểu đoàn trưởng (chỉ huy cũ và mới) của cụm cứ điểm.

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, ngày 15/3, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 chỉ thị cho Bình-Trị-Thiên tích cực phối hợp đánh mạnh trên đường giao thông, tích cực chống càn quét, chống bắt lính. Kết quả là, lực lượng đặc công Liên khu đã tiêu diệt được 6 vị trí và 12 lô cốt địch. Phong trào địch, ngụy vận thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Ở thành phố Huế, ta phát hàng vạn tờ truyền đơn, viết hàng nghìn khẩu hiệu, thành lập được 80 tổ gọi loa tuyên truyền, gửi hàng trăm thư cho sĩ quan và binh lính ngụy, kêu gọi họ từ bỏ hàng ngũ giặc về kháng chiến.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, ta phục kích bắn cháy và đắm 2 xuồng 1 canô, tiêu diệt 1 đại đội lính thủy đánh bộ địch ở Yên Lệnh, sông Hồng.

Ngày 16-03-1954

Sau khi nhận được Lời kêu gọi đầu hàng mà lực lượng ta gửi cho Đại úy Clác-săm (Clarchambre) – Chỉ huy cứ điểm Bản Kéo và đồng ý để Pháp đến địa điểm quy định nhận thương binh, sáng ngày 16/3/1954, một viên trung úy và một số bình lính Thái có mặt đúng giờ ở địa điểm với những chiếc cáng thương.

Lúc đó, các binh sĩ tiểu đoàn 5 bị thương đã được băng bó cẩn thận, đang nằm chờ. Khi chia tay với người chiến thắng, một số người lính Angiêri bỗng hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Cảm ơn các bạn!”. Cơ quan địch vận chiến dịch đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vào cứ điểm Bản Kéo. Truyền đơn của ta được các nhân mối đưa vào rải cả trong đồn. Tiếng loa địch vận kiên trì kêu gọi những người con lầm đường hãy trở về mường bản, không theo địch, không dùng súng bắn giết đồng bào và nêu rõ chính sách khoan hồng sáng ngời chính nghĩa của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Từ thất bại ở Him Lam, Độc Lập, Pháp đã nhận ra những nhược điểm khó khắc phục của “con nhím Điện Biên Phủ”, đồng thời nhanh chóng bù đắp những tổn thất về người và vũ khí. Ngày 16/3/1954, Cônhi đưa tiếp 1 tiểu đoàn dù tăng viện cho Mường Thanh. Đây là Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 (6è BPC) do Bigia chỉ huy. Sự xuất hiện của Tiểu đoàn dù 6 đã mang lại tinh thần phấn chấn cho quân đồn trú; đồng thời, Nava chỉ thị cho tướng Gămbiê, Tổng Tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp phải thực hiện gấp một kế hoạch gây mưa nhân tạo trên đường giao thông từ hậu phương ta ra Mặt trận Điện Biên Phủ để ngăn cản việc tiếp tế của ta.

Về phía ta, ngày 16/3/1954, Bộ Chỉ huy Mặt trặn Điện Biên Phủ triệu tập Hội nghị cán bộ chiến dịch để sơ kết Đợt 1 và giao nhiệm vụ Đợt 2 chiến dịch. Trong khi đó, ở chiến trường phối hợp đồng bằng Bắc Bộ, du kích cùng bộ đội địa phương phối hợp đánh mìn một đoàn tàu quân sự của thực dân Pháp tại Văn Lâm (Hưng Yên).

Ngày 17-03-1954

Ngày 17/3/1954, quân ta tiến công, bao vây, bức hàng Cụm cứ điểm Bản Kéo, liên tục đánh bại các đợt phản kích của địch. Nhiệm vụ bức hàng Bản Kéo được giao cho Trung đoàn 36.

Tuy nhiên, sáng 17/3/1954, lính Thái ở Bản Kéo xôn xao vì có tin bộ đội ta sắp tiến công. Biết không thể giữ nổi Bản Kéo, Đờ Cát ra lệnh cho Đại úy Clác-săm đưa tiểu đoàn ngụy Thái lui về Mường Thanh.

Nhưng vừa ra khỏi đồn, binh lính không còn nghe theo lời chỉ huy, ào ào chạy về phía khu rừng đang vang lên tiếng loa: “Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch, quay về với kháng chiến, quay về với gia đình!...”. Địch dùng pháo bắn cản đường và cho xe tăng đuổi theo ngăn chặn. Ta kịp thời dùng pháo bắn yểm hộ số hàng binh nêu trên chạy vào trú ẩn ở các vị trí an toàn trong rừng... Bộ đội đón được 241 tên ra hàng, riêng bọn chỉ huy Thái và Pháp bỏ chạy vào trung tâm. Trung đoàn 36 không cần nổ súng vẫn chiếm được Bản Kéo, thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía bắc sân bay.

Kết thúc đợt 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong 5 ngày (từ 13-17/3/1954), với 2 trận đánh lớn then chốt (Him Lam, Độc Lập) quân và dân ta đập tan hệ thống phòng ngự của địch trên các hướng bắc và đông bắc, xóa sổ phân khu bắc và một bộ phận của phân khu trung tâm, tiêu diệt gọn hai tiểu đoàn tinh nhuệ bậc nhất của địch, làm tan rã một tiểu đoàn khác, mở thông đường xuống vùng lòng chảo...

Lần đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội ta đã thực hiện tác chiến hiệp đồng binh chủng có bộ binh, pháo mặt đất, pháo cao xạ tham gia, tiến đánh những cụm cứ điểm được xây dựng kiên cố nằm trong tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch trên chiến trường Đông Dương. Đó là điều thực dân Pháp không thể ngờ tới. Bản thân Đờ Cát cũng rất mệt mỏi, lo âu, vội vã điện khẩn cấp về Hà Nội yêu cầu tăng viện gấp rút cho Điện Biên Phủ để bổ sung vào chỗ đã bị tiêu hao. Từ Thủ tướng Pháp Lanien đến Nava, Cônhi đều chuyển sang thái độ bi quan.

Tại Sở Chỉ huy Mường Phăng, ngày 17/3/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch tổ chức sơ kết đợt 1 chiến dịch.

Ngày 18-03-1954

Để chuẩn bị cho giai đoạn tiến công mới, từ trên các triền núi cao, các chiến hào của bộ đội ta cùng lúc phát triển khắp nơi trên cánh đồng Mường Thanh. Nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây được quy định như sau (Trích mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh): Đại đoàn 308, xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí đồi Độc Lập qua Bản Kéo, Pe Nội, Nậm Bó…và làm trận địa tiến công để chuẩn bị công kích vị trí 106. Đại đoàn 312, xây dựng đường giao thông hào trục từ nam vị trí đồi Độc Lập nối liền với đường trục của Đại đoàn 308 qua Him Lam, Long Bua nối liền với đường trục của Đại đoàn 316; làm trận địa tiến công, chuẩn bị công kích các vị trí D, E và 105. Đại đoàn 316, xây dựng giao thông hào trục từ Long Bua nối liền với giao thông hào trục của Đại đoàn 312 qua Bản Bánh, Bản Ten.., làm trận địa tiến công các vị trí A và C.

So với trước ngày mở màn chiến dịch, việc xây dựng trận địa lần này khó khăn gấp bội. Sau bữa cơm chiều, bộ đội ta từ nơi trú quân tiến ra cánh đồng, suốt đêm đào trận địa. Bộ đội phải lao động cật lực từ 14 tới 18 tiếng mỗi ngày. Những đêm giá rét, đào trận địa mồ hôi vẫn tuôn chảy; gặp những chỗ đất rắn hay nhiều sỏi đá, bàn tay các chiến sĩ phồng rộp, rớm máu… Khi đường hào đã kéo dài hàng chục kilômét trên cánh đồng thì không còn cách nào ngụy trang để che mắt quân địch, mỗi tấc đất chiến hào phải trả bằng máu. Pháo địch bắn suốt đêm vào những đường hào mà chúng đã phát hiện ban ngày; máy bay liên tiếp thả đèn dù phát hiện mục tiêu mới cho những trận oanh tạc. Địch đưa quân ra những trận địa ở gần, đánh bật bộ phận canh gác, san lấp các đoạn hào, gài mìn ngăn bộ đội ta đào tiếp.

Lực lượng Không quân Pháp bối rối trước hoạt động khống chế sân bay và kiềm chế không quân của pháo binh, pháo cao xạ của ta. Lôdanh, Tư lệnh Không quân Pháp ở Đông Dương báo cáo với Nava việc tiếp tế bằng đường không từ 4.000 tấn tăng lên tới 10 nghìn tấn; đồng thời chỉ thị cho phi công lái máy bay Dakota ta phải thả dù ở độ cao 2.000 - 3.000m để tránh đạn cao xạ của ta...

Ngày 19-03-1954

Khi dự trữ đạn 105mm và lương thực của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ bắt đầu cạn dần, ngày 19/3/1954, Đờ Cát điện cho Cônhi: Việc mất Điện Biên Phủ là điều khó tránh khỏi trong thời gian ngắn và tính chuyện rút sang Lào. Trong khi đó, hai máy bay Dakota tiếp tế cho Pháp tại Điện Biên Phủ hạ cánh xuống đường băng sân bay thì một chiếc bị trúng pháo kích của ta, chỉ một chiếc may mắn thoát nạn.

Trong ngày 19/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi báo cáo đến Bác, đồng chí Trường Chinh và các đồng chí trong Bộ Chính trị; trong đó, báo cáo đánh giá: Đợt chiến đấu đầu tiên của quân ta là thuận lợi. Địch thất bại rất nặng, mất cả binh lực và phạm vi kiểm soát ở phân khu miền bắc, trường bay bị khống chế đến nay thì gần hoàn toàn, thương vong nhiều, thiệt hại về không quân nặng, đối phó cho đến hôm nay vẫn thường.

Về phía ta, sau 2, 3 ngày bổ sung chấn chỉnh, lực lượng gần như nguyên vẹn, lại thêm kinh nghiệm, thêm dày dặn, thêm phấn khởi, tin tưởng vào phương châm, lại thêm một số vũ khí và đạn dược lấy được của địch. Tuy vậy, qua một thời gian làm trận địa, có đến trên 100 cây số, các đơn vị chiến đấu làm xong nhiệm vụ lại phải thu dọn chiến trường vì dân công thiếu, việc cấp dưỡng lại kém, nên sức khỏe bị giảm sút, mỏi mệt...

Báo cáo nhận định, bước qua đợt 2 của giai đoạn thứ 2 là đợt xây dựng trận địa tiếp cận, hình thành thế bao vây tứ phía để đạt đến mục đích: Một là làm cho địch không tăng viện được. Hai là làm cho địch không thả dù tiếp tế được. Ba là làm cho không quân và pháo binh địch khó hoạt động. Bốn là làm cho tất cả các súng cối từ 81, 82mm trở lên của ta có thể uy hiếp tung thâm của địch, uy lực không kém trọng pháo…

Từ thực tế nêu trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá tình hình địch, ta; đồng thời đề xuất với Bác, đồng chí Trường Chinh, các đồng chí trong Bộ Chính trị và Trung ương các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo động viên nhân, vật lực hậu phương chi viện cho tiền tuyến, sự phối hợp chiến trường toàn quốc với chiến trường Điện Biên Phủ, tạo động lực để quân và dân ta sớm giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 20-03-1954
Xác định nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây quân địch là nhiệm vụ trung tâm trong công việc chuẩn bị cho đợt tiến công thứ hai sắp diễn ra, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Đại đoàn 308, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 thực hiện. Để bảo đảm cho nhiệm vụ tiến công, tiêu hao và tránh phi pháo địch, ngày 20/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Chỉ huy trưởng Chiến dịch đã gửi thư động viên bộ đội “Xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch nhanh chóng, đạt tiêu chuẩn”.

Sau khi Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi thư cho các đơn vị bộ đội động viên và yêu cầu xây dựng trận địa tiến công, bao vây địch đạt tiêu chuẩn và chính xác, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ra Chỉ thị gửi các đại đoàn bổ sung về xây dựng trận địa, về chiến thuật.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, nhiệm vụ xây dựng trận địa tiến công và bao vây bằng giao thông hào đã trở thành một công trình lao động và chiến đấu to lớn của quân ta; là nghệ thuật quân sự đặc sắc, giải quyết được vấn đề bộ đội tiếp cận quân địch trên địa hình bằng phẳng, vận chuyển lực lượng, giữ vững trận địa, tiến hành chiến đấu liên tục, làm cho địch trở tay không kịp, cùng với đó trận địa tiến công giao thông hào hạn chế đến mức cao tác dụng của pháo binh và không quân địch.

Về phía địch: Tại mặt trận Điện Biên Phủ, quân Pháp tiếp tục thả thêm quân dù tăng cường cho Điện Biên Phủ, 5 chiếc Đakota đã hạ cánh và cất cánh ở sân bay Mường Thanh.

Tại Mỹ, Tướng Paul Ely, Tham mưu trưởng quân đội Pháp tới Washington gặp Tổng thống Eisenhower để cầu cứu sự giúp đỡ của Mỹ. Phía Pháp muốn có một cuộc ném bom ồ ạt xuống chung quanh Điện Biên Phủ. Mỹ lo ngại cho số phận của Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Tướng Ely tỏ ra lạc quan về việc Điện Biên Phủ sẽ cố thủ được nếu các yêu cầu tăng viện nhanh chóng được chuyển tới để có thể đánh mạnh vào đối phương.
Ngày 21-03-1954
Ngày 21/3/1954, tại chiến trường Điện Biên Phủ các đại đoàn tiếp tục cho bộ đội đào hào giao thông, chuẩn bị xây dựng trận địa tiến công như nhiệm vụ được giao. Các đơn vị hậu cần, giao thông vận tải, dân công, tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí bổ sung cho bộ đội ở Điện Biên Phủ chuẩn bị đợt 2 chiến dịch.

Tại chiến trường phối hợp: Ở phía hữu ngạn sông Hồng, bộ đội địa phương và dân quân du kích đẩy mạnh hoạt động phối hợp. Tại Ninh Bình, du kích xã Khánh Thiện dùng mưu đuổi một đại đội địch ở Đò Mười, giải thoát một số dân và giành lại hai thuyền chở muối. Cũng trong tháng 3/1954, du kích Khánh Thiện đánh liên tục, quấy rối, bao vây khống chế bốt Tam Châu, sân bay Tam Châu và dùng súng trường bắn rơi một máy bay Dakota của địch, diệt một số sĩ quan Pháp trên máy bay.

Ở Phân Liên khu miền Tây, Bộ Tư lệnh Phân khu đã đề nghị Bộ Tư lệnh Nam Bộ mở đợt tiến công quy mô lớn để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ. Mở màn, Phân Liên khu quyết định đánh vào vị trí phòng thủ của địch ở An Biên (Bạc Liêu). Đây là một cứ điểm cắm sâu vào vùng tự do U Minh Thượng của ta trên hướng Tây Bắc. Lực lượng địch tập trung khá đông, có cả pháo 105mm hỗ trợ. Ta thực hiện chiến thuật đánh điểm, diệt viện, kết hợp với nghi binh. Nhiệm vụ nghi binh được giao cho Tiểu đoàn 307.

Ngày 21/3/1954, quân ta nổ súng tấn công các vị trí trọng yếu của địch ở An Biên. Địch nhiều lần cho quân từ Rạch Giá sang ứng cứu nhưng đều bị đánh thiệt hại nặng. Quân địch ở An Biên không thấy viện binh đến ứng cứu, liều mạng phá vòng vây bỏ chạy. Ta vừa truy kích địch, vừa tiếp tục bao vây quận lỵ và gỡ các đồn bốt. Cuối tháng 3/1954, ta tiêu diệt được Đồn Xẻo Rô, bắt sống Lâm Quang Thiệp, Quận trưởng An Biên, giải phóng hoàn toàn quận này, diệt và làm bị thương hơn 500 tên địch, thu hơn 400 súng các loại. An Biên cũng là quận đầu tiên ở Phân Liên khu miền Tây và cả ở Nam Bộ được giải phóng.
Ngày 22-03-1954

Ngày 22/3/1954, bộ đội ta tiếp tục đào giao thông hào, hai đường trục hào chính từ phía bắc tiến xuống đã ôm lấy phân khu Trung tâm ở mặt đông và tây; đồng thời cô lập phân khu này với cụm cứ điểm Hồng Cúm (Isabelle) của địch ở phía nam.

Trục thứ nhất do Đại đoàn 312 đảm nhiệm đã tiến từ đồi Độc Lập sẽ nối liền với trục giao thông hào của Đại đoàn 308; một nhánh của trục giao thông hào vượt qua sông Nậm Rốm tiến về phía Dominique 4 (Dominique - cụm cứ điểm đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm) và đường băng sân bay.

Trục thứ hai tạo thành một đường cánh cung rộng trên những cánh đồng phía tây rồi ngoặt xuống phía nam tới khu Trung tâm và cụm cứ điểm Hồng Cúm, tỏa ra nhiều hướng hình thành mạng lưới bao vây địch ở Điện Biên Phủ.

Trong khi bộ đội đào giao thông hào, địch cho máy bay ném bom, bắn phá, sử dụng các đội tuần tiễu bắn vào bộ đội ta, mỗi mét chiến hào được đổi bằng mồ hôi và cả máu của các chiến sĩ Điện Biên.

7 giờ 30 phút sáng 22/3/1954, đội tuần tiễu của địch phát hiện thấy một nhánh đường hào ngăn cản đường tiến quân của Pháp từ cụm cứ điểm Hồng Cúm tới bản Kho Lai. Chúng cho Tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn bộ binh lê dương có xe tăng yểm trợ tiến ra lấp hào.

Ở phía bắc, địch sử dụng một tiểu đoàn có xe tăng yểm trợ, huy động tiến ra chặn ta. Cuộc chiến đấu bảo vệ giao thông hào diễn ra đến 16 giờ chiều mới kết thúc. Ban đêm địch rút, bộ đội ta tiếp tục đào hào giao thông.

Phía địch: Tại hầm Chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri (De Catries) ở Điện Biên Phủ và Sở Chỉ huy của Cô-nhi (Cogny) ở Hà Nội, các chuyên viên và trợ lý sắp xếp lại các bức ảnh chụp hằng ngày của các máy bay trinh sát, cho phép theo dõi những tiến triển của các hệ thống hào giao thông của ta đang bắt đầu thắt thòng lọng quanh Điện Biên Phủ.

Cô-nhi ra lệnh cho Đờ Cát-xtơ-ri chuẩn bị tiến hành cuộc chiến đấu trong hầm hào. Nhưng Đờ Cát-xtơ-ri trả lời rằng ông ta thiếu những người có chuyên môn cũng như các trang bị công binh về loại hình chiến tranh này (chiến đấu trong giao thông hào), yêu cầu Cô-nhi gửi cho ông ta tài liệu về quy tắc tổ chức trận địa giao thông hào, về chiến tranh hầm hào.

Cũng trong ngày 22/3/1954, máy bay vận tải C-119 của Mỹ hạ cánh xuống sân bay Cát Bi mang theo 20 tấn thiết bị quân sự viện trợ cho Pháp.

Ngày 23-03-1954

Ngày 23/3/1954, bộ đội ta tiếp tục xây dựng trận địa chiến hào. Cùng thời gian, quân địch cũng ráo riết tranh thủ củng cố lại hệ thống trận địa phòng ngự, đặt thêm vật cản, đào thêm nhiều hầm hào và xây dựng thêm một số điểm tựa mới trên hướng đông - bắc của tập đoàn cứ điểm. Trong bản Huấn thị số 44/CAB, ngàv 23/3/1954, Cogny chỉ thị cho de Catries phải gấp rút chuẩn bị tiến hành một cuộc chiến đấu trong những hầm hào và gợi ý nên mở rộng khu vực phòng thủ phía đông, chuyển trọng điểm của trận địa trung tâm sang bên bờ phía đông sông Nậm Rốm trước mùa mưa lũ. Để củng cố lại lực lượng của binh đoàn tác chiến Tây Bắc (GONO), trong thời gian này, ngoài hai tiểu dù hoàn chỉnh, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở bắc bộ còn đưa lên Điện Biên Phủ một số sĩ quan và binh lính bổ sung cho các đơn vị bị tổn thất, số pháo địch bị ta bắn hỏng cũng đã được chúng thay thế, đạn dược được bổ sung đầy đủ. Việc bảo đảm cung cấp tiếp tế cho quân đồn trú được tăng cường.

Trên chiến trường phối hợp, sau một loạt các chiến công của quân và dân đồng bằng bắc bộ, đặc biệt là chiến công của quân và dân Đường số 5, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi “Điện khen các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên Đường số 5”.

Điện khen đã nêu lại thành tích chiến đấu của quân và dân đường 5 từ tháng 1, tháng 2 năm 1954; đặc biệt, một cuộc tấn công mạnh trong tháng 3 vào hệ thống phòng thủ của địch ở Đường số 5, tiêu diệt nhiều vị trí và tháp canh, tiêu diệt nhiều đội quân tiếp viện của địch, đặc biệt đã phá hủy nhiều cầu cống và nhiều đoạn đường sắt, mấy lần cắt đứt con đường chiến lược quan trọng bậc nhất của địch ở chiến trường Bắc Bộ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn, các đơn vị cùng bộ đội chiến đấu ở mặt trận đường 5 tiếp tục ra sức củng cố và khuếch trương thắng lợi, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực giúp nhân dân chống giặc, đề phòng chủ quan khinh địch, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cuộc vây hãm địch của quân ta ở Điện Biên Phủ.

Ngày 24-03-1954

Ngày 24/3/1954, theo đúng kế hoạch, bộ đội đào giao thông hào đã tiến vào các trung tâm đề kháng-mục tiêu của ta trong đợt tiến công thứ hai.

Ở phía đông, giao thông hào đã vào gần các cao điểm E, D1, Cl, A1; ở phía tây, một mũi chiến hào chỉ còn cách hàng rào dây thép gai cứ điểm 106, thuộc cụm cứ điểm trực tiếp bảo vệ sân bay Mường Thanh 50 mét.

Lúc này, vòng vây trận địa chiến hào hình thành đã khiến quân Pháp không còn khả năng rút lui, cũng như khó đưa thêm một số lớn quân tăng viện. Quân địch đứng trước sự thất bại chắc chắn, vì sớm muộn con đường tiếp tế bằng máy bay cũng bị cắt đứt. Trận địa chiến hào của ta đã phá vỡ cấu trúc cơ bản của tập đoàn cứ điểm, tách hoàn toàn phân khu Hồng Cúm (Isabelle) khỏi khu trung tâm. Từ lúc này Đờ Cát-xtơ-ri (De Catries) không thể trông chờ sự cứu viện của những tiểu đoàn đóng ở phía nam cánh đồng Mường Thanh.

Phía địch: Máy bay vận tải C-l19 của Mỹ do phi công Pháp lái bắt đầu chuyển sang ném bom napan xuống các vị trí quân ta ở chung quanh Điện Biên Phủ.

Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 đụng độ với lực lượng ta ở khu vực giữa cụm cứ điểm nam sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm (Claudine) trên dãy đồi phía đông với Hồng Cúm thuộc phân khu Nam.

7 giờ 30 phút, Trung tá Kele, thuộc Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải lên máy bay về Hà Nội để điều trị vấn đề về thần kinh.

Những sĩ quan chỉ huy không quân Pháp trong tình trạng hoang mang tột độ. Đại tá Nico, chỉ huy không quân vận tải ở Hà Nội điện than phiền với tướng Logrin, Tư lệnh không lực Viễn Đông rằng, tuy các máy bay của Pháp ở Điện Biên Phủ đã bay cao, nhưng vẫn bị cao xạ Việt Minh bắn rơi.

Trên các chiến trường phối hợp:

Cùng với tin vui thắng trận từng ngày ở chiến trường Điện Biên Phủ, ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi trên các mặt trận.

Tại Bình Định, bộ đội địa phương và du kích đào hầm “độn thổ” ngay bên lề đường chờ địch đến mới nổ mìn, xông ra diệt địch. Một bộ phận đặc công đào hầm bí mật, nằm lại trong vùng địch khi chúng tràn qua quân địch đánh chiếm Bình Định ta diệt và bắt 800 tên.

Ngày 25-03-1954

Ngày 25/3/1954, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập hội nghị cán bộ để thảo luận và quán triệt kế hoạch tác chiến đợt 2.

Theo đó, hội nghị nhận định: Sau những chiến thắng đầu tiên, các đơn vị tham chiến đã chấn chỉnh xong lực lượng; gần 100km giao thông hào đã được đào và xây đắp đúng tiêu chuẩn. Nhờ công trình nêu trên mà đã hạn chế được viện binh của địch, làm khó khăn sự tiếp tế của chúng, nhất là bộ đội ta đã phát huy được tất cả các cỡ hỏa lực từ súng cối trở lên để uy hiếp tung thâm của địch. Một thành công của việc xây dựng trận địa là đã làm cho các cuộc oanh tạc dữ dội của địch gần như bị vô hiệu, đồng thời thắt chặt vòng vây, tạo điều kiện để bộ đội ta tiếp cận và tiến công quân địch.

Về phía địch, qua đợt đầu bị ta tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng, nhưng do được nhanh chóng bổ sung cho nên quân số còn đông, hỏa lực phi pháo còn mạnh. Trong hệ thống phòng ngự của tập đoàn cứ điểm hiện nay, phân khu trung tâm là nơi phòng ngự chủ yếu. Điểm mạnh của phân khu này là những điểm cao phía đông. Nếu ta tiêu diệt được những điểm cao lợi hại này thì phân khu trung tâm sẽ không đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.

Căn cứ vào nhiệm vụ nêu trên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đề ra nhiệm vụ cho đợt tiến công thứ hai: đánh chiếm các điểm cao phòng ngự phía đông của phân khu trung tâm, biến những điểm cao đó thành trận địa của ta, uy hiếp quân địch tại Mường Thanh, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, trong đó có một số đơn vị cơ động, tạo đầy đủ điều kiện để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn 351..., đồng loạt tiến công tiêu diệt quân địch.

Cùng ngày 25/3/1954, Tổng Quân ủy phổ biến kế hoạch về quân sự, chính trị, cung cấp cho chiến dịch giành toàn thắng.

Ngày 26-03-1954

Ngày 26/3/1954, Hội nghị của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tiếp tục họp sang ngày thứ 2.

Sau khi quân ta hoàn thành gần 100km đường giao thông hào, để bảo vệ trận địa, các đơn vị bộ đội ta đã lần lượt chuyển từ trên các núi cao xuống ở ngay trong các đường hào vừa được đào đắp.

Lo ngại trước các tuyến hào đang ngày càng siết chặt chung quanh tập đoàn cứ điểm, quân Pháp đã sử dụng một khối lượng lớn hỏa lực phi pháo đánh phá dữ dội và cho bộ binh xe tăng liên tục tiến ra phản kích.

Song đêm đêm, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ta vẫn tỏa ra trên khắp cánh đồng kiên nhẫn đào hào bất chấp bom đạn, không quản mưa rét. Địch tìm mọi cách ngăn chặn.

Ngày 26/3/1954, địch cho 1 đại đội lê dương có xe tăng yểm hộ tiến ra bên ngoài trung tâm đề kháng Huguette (cụm cứ điểm tây sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm) lấp hào của bộ đội ta. Sau đó chúng cho 2 tiểu đoàn có 6 xe tăng yểm hộ đánh ra Pe Luông, Hồng Lếch, Noong Pét, Cò Mỵ. Do phần lớn lực lượng của ta sau một đêm lao động mệt nhọc đã rút trở về rừng nghỉ ngơi, chỉ để lại một bộ phận nhỏ bảo vệ trận địa nên bộ binh và xe tăng địch đã phá được một số đoạn hào trục.

Ở Hồng Lếch, Noong Pét, bộ đội phòng không của ta hạ nòng súng bắn vào đội hình xung phong của bộ binh và xe tăng địch. Khi đạn hết, các chiến sĩ ta đã dùng tới cả cuốc, xẻng chia nhau trấn giữ từng ngách hào, đánh giáp lá cà diệt địch. Vì thiếu lực lượng bộ binh bảo vệ, bộ đội cao xạ của ta bị một số tổn thất, nhưng cuối cùng ta đã đẩy lùi được tất cả các cuộc tiến công bịt hào của địch.

Phía địch: Pháo cao xạ của ta đã trở thành nỗi kinh hoàng đối với những viên phi công trước đó vẫn coi khoảng không là nơi tuyệt đối an toàn. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả những siêu pháo đài bay của Hoa Kỳ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ. Becna Paul gọi đó là “cuộc tàn sát máy bay Pháp” khi 4 chiếc máy bay bị bắn hạ...

Ngày 27-03-1954

Ngày 27/3/1954, kết thúc hội nghị cán bộ chiến dịch Điện Biên Phủ, trên cơ sở nhận định tình hình địch-ta tại mặt trận Điện Biên Phủ, Tổng Quân ủy đã xác định chủ trương tác chiến của đợt tiến công thứ 2, đó là: “Tập trung tuyệt đối ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực miền đông Điện Biên Phủ”, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, trong đó có một số đơn vị cơ động; chiếm lĩnh một bộ phận trận địa pháo binh của địch và toàn bộ các cao điểm phía đông, biến những cao điểm đó thành trận địa của ta để uy hiếp khu vực Mường Thanh; đồng thời xác định đây là cuộc chiến đấu có tính chất quyết định tạo điều kiện chuyển sang tổng công kích, giành toàn thắng cho chiến dịch.

Căn cứ vào chủ trương tác chiến, Tổng Quân ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tham gia đợt tiến công thứ 2 gồm: Đại đoàn 312, Đại đoàn 316, Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, Đại đoàn công pháo 351, Trung đoàn pháo binh 367 trên các hướng tiến công theo mục tiêu được đảm nhiệm.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, trong thời gian chuẩn bị đợt 2 chiến dịch, quân ta đẩy mạnh các hoạt động nhỏ, đẩy lùi tất cả các đợt phản công của địch từ Mường Thanh ra, ta phá hủy 6 xe quân sự, 3 máy bay khu trục, hạ hai máy bay vận tải, bắn cháy hai chiếc trên đường băng; 450 tên địch bị chết và bị thương.

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tại Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, quân ta diệt thổ phỉ, bắt 307 tên, thu 531 súng các loại.

Trong ngày 27/3/1954, địch liên tục cho quân ra lấp các chiến hào do bộ đội ta đào lấn bao vây cứ điểm; đồng thời thành lập thêm cứ điểm Opéra ở phía đông sân bay do một đại đội thuộc tiểu đoàn dù xung kích số 8 đóng giữ. Từ ngày 27/3/1954 trở đi, sân bay Mường Thanh của địch hoàn toàn bị tê liệt do bị hỏa lực pháo binh, cao xạ của ta khống chế, không một máy bay nào của địch dám hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh. Để bảo đảm tiếp tế, địch phải dựa vào biện pháp duy nhất là thả dù. Tuy nhiên, biện pháp này khá tốn kém và bấp bênh do vấp phải hỏa lực ta đánh chặn quyết liệt.

Ngày 28-03-1954

Ngày 28/3/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra mệnh lệnh số 83-ML/B1, trong đó xác định quyết tâm của Bộ trong đợt tiến công thứ 2 là “Tập trung ưu thế tuyệt đối binh hỏa lực, tiêu diệt toàn bộ khu vực phía đông Mường Thanh, tạo điều kiện đầy đủ cho quân ta chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị: Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 201 (D1), 201A (D2), vị trí pháo binh địch ở 210, bộ phận cơ động của tiểu đoàn dù Việt Nam số 5...

Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn): Tiêu diệt các cứ điểm 301 (A1), 302 (C1), 304 (C2), phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 hoặc bộ phận tiểu đoàn dù Việt Nam số 5. Sau khi diệt địch, để lại bộ phận lực lượng cải tạo công sự, ngăn địch phản kích chiếm lại, đồng thời tổ chức trận địa hỏa lực khống chế và sát thương quân địch ở Mường Thanh.

Đại đoàn 308: Tiêu diệt khu vực tung thâm của địch gồm tiểu đoàn Thái số 2 và vị trí pháo binh địch, phối hợp với Trung đoàn 98 tiêu diệt tiểu đoàn dù thuộc địa số 6; dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở tây Mường Thanh và dùng lực lượng nhỏ kiềm chế các cứ điểm 106 và 310; bố trí lực lượng đánh nhảy dù xuống phía tây và tây nam Mường Thanh, chặn tiếp viện của địch từ Hồng Cúm lên.

Đại đoàn 304: Kiềm chế đắc lực pháo binh địch ở Hồng Cúm; chặn quân tiếp viện không cho chúng từ Hồng Cúm lên Mường Thanh; tiêu diệt địch nhảy dù xung quanh và phía nam Hồng Cúm.

Đại đoàn 351: Lựu pháo yểm hộ cho bộ binh tiến công các cứ điểm của địch; chế áp và phá hủy pháo binh địch, tiêu diệt một bộ phận cơ động của địch; kiềm chế pháo binh địch ở Mường Thanh và Hồng Cúm. Pháo cao xạ yểm hộ cho lựu pháo và bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm.

Cùng ngày, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng ra Chỉ thị số 84/A1 về việc tổ chức hỏa lực và hợp đồng bộ pháo trong trận tấn công tiêu diệt quân địch ở khu vực phía đông Mường Thanh.

Cũng trong ngày 28/3/1954, tại chiến trường Điện Biên Phủ, chiếc máy bay thứ 43 của quân Pháp bị pháo cao xạ của quân ta bắn hạ.

Ngày 29-03-1954

Để chuẩn bị bước vào đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 29/3/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy gửi thư động viên các đồng chí đảng viên ở mặt trận.

Bức thư nêu rõ: “Trận đánh sắp tới là một trận đánh rất lớn có tính chất quyết định để chuyển sang tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Các đồng chí hãy nêu cao hơn nữa tinh thần gương mẫu, dũng cảm chiến đấu của những người đảng viên Đảng Lao động, nhất là trong những giờ phút gay go, quyết liệt. Tất cả các đồng chí chúng ta trong cuộc chiến đấu sắp tới đều phải kiên quyết, dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch, lãnh đạo toàn thể anh em cán bộ và chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang Đảng giao cho”.

Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cũng có thư động viên toàn thể cán bộ, chiến sĩ trước đợt tiến công lớn vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong thư khẳng định 3 mục đích của đợt tiến công thứ 2, đó là:

- Tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch trong nhiều cuộc chiến đấu liên tiếp.

- Phá hủy và đánh chiếm một bộ phận các trận địa hỏa lực của địch, làm cho chúng mất chỗ dựa rồi dùng ngay trận địa hỏa lực của chúng mà bắn vào đầu chúng.

- Đánh chiếm những nơi địa hình có lợi cho ta, chiếm giữ những nơi đó dùng làm trận địa của ta để tiến một bước uy hiếp thật mạnh bọn địch còn lại.

Đại tướng nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ: Tất cả cán bộ, chiến sĩ đều phải thấm nhuần quyết tâm của trên, khi ra trận phải kiên quyết, dũng cảm, đánh nhanh, giải quyết nhanh, đánh mạnh như vũ bão, không để mất một cơ hội nào để tiêu diệt địch. Người trước ngã, kẻ sau lên, cán bộ, đảng viên làm gương cho toàn quân, mỗi một chiến sĩ đều là gương trong khi xung phong giết giặc, mọi người đều có một khí thế rất lớn. Không sợ khó khăn, không sợ thương vong, làm cho quân địch thấy bóng quân ta là khiếp sợ...

Đại tướng nhấn mạnh: “Đây là cuộc thử thách lớn đối với toàn thể cán bộ cũng như chiến sĩ. Toàn quân trên các mặt trận, đồng bào ta ở khắp toàn quốc đang mong chờ tin chiến thắng này. Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch đang mong chờ tin chiến thắng này”.

Ngày 30-03-1954

18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Pháo binh chiến dịch dồn dập bắn vào Sở chỉ huy của Đờ Cát-xtơ-ri và các điểm cao C1, D1, E1, các trận địa pháo, khu vực cơ động của địch ở Mường Thanh, Hồng Cúm.

Đáng chú ý, tại cứ điểm C1, cuộc tiến công của Trung đoàn 98 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng diễn ra nhanh chóng. Chỉ sau 15 phút, ta đã dọn xong cửa mở qua 7 lần rào thép gai. Chớp thời cơ, quân ta chỉ bằng một đợt xung phong đã chiếm được lô cốt cao nhất.

Quân địch bị dồn về các lô cốt phía tây, gọi pháo binh bắn vào trận địa ta. Các chiến sĩ dũng cảm dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà, đập tan 3 đợt phản kích của địch.

Chỉ trong vòng 45 phút, trận đánh C1 kết thúc, ta diệt và bắt toàn bộ một đại đội với 140 tên địch thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 Ma-rốc, ta thương vong 10 người.

Tại khu vực đồi A1, cuộc chiến đấu của Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) diễn ra không thuận lợi. Do mất liên lạc với Đại đoàn ngay từ đầu, nên không nhận được lệnh tiến công. Sau khi cứ điểm C1 bị quân ta tiêu diệt, pháo binh của ta chuyển làn bắn vào đồi A1, Trung đoàn mới tiến hành mở cửa và mất hơn một giờ mới thông đường tiến.

Khi ta xung phong, pháo binh địch bắn dữ dội vào cửa mở; hỏa lực địch dồn về phía lực lượng bộc phá phá hàng rào. Mất hơn nửa giờ hai mũi tiến công mới vượt qua 100m hàng rào và bãi mìn, lọt vào đồn địch.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, địch dựa vào công sự chống cự quyết liệt, sau đó rút vào hầm ngầm. Địch dùng pháo binh bắn dồn dập trút xuống đỉnh đồi khiến bộ đội ta thương vong nhiều. Trung đoàn 174 đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu, song lúc này địch dồn hỏa lực vào đồi A1, các đợt xung phong của ta vẫn không vượt qua lưới hỏa lực của địch. Cuộc chiến đấu tại đồi A1 tiếp tục giằng co tới sáng ngày 31/3/1954.

Chiều và đêm ngày 30/3/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch còn sử dụng lực lượng hình thành 3 mũi thọc sâu với nhiệm vụ tiêu diệt trận địa pháo ở 210 và đánh vào các lực lượng đóng ở vòng trong làm rối loạn trận địa phòng ngự của địch.

Ngày 31-03-1954

Ngày 31/3/1954, sau ngày chiến đấu đầu tiên của đợt 2, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận định:­ Bộ đội ta đã hoàn thành phần quan trọng nhiệm vụ đợt 2, nhưng vẫn chưa chiếm được cao điểm phòng ngự then chốt A1 của địch. Trung đoàn 174 đã sử dụng cả lực lượng dự bị, không còn khả năng giải quyết A1; Trung đoàn 98 tiến công C2 không thành công, bị tiêu hao, cần điều đơn vị khác tiêu diệt địch ở đồi A1 và phòng ngự ở cao điểm C1 vào ban ngày. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức trận địa phòng ngự trên các cao điểm C1, D1, E, chuẩn bị đánh địch phản kích ban ngày, quyết không để địch chiếm lại.

Về phía địch, mờ sáng ngày 31/3/1954, Bộ chỉ huy Pháp ở Điện Biên Phủ họp bàn cách đối phó với tình hình. 7 giờ 45 phút sáng cùng ngày, tiểu đoàn lê dương số 3 với xe tăng yểm trợ từ Hồng Cúm tiến ra đường 41 đi về phía Mường Thanh, tới bản Long Nhai, lọt vào trận địa của Trung đoàn 57, lập tức bị bao vây tiến công. Xe tăng trúng đạn DKZ bốc cháy, bộ binh bị hỏa lực dày đặc của ta tiêu diệt. Gần trưa, pháo của địch phải bắn chặn để tiểu đoàn lê dương số 3 và xe tăng mở đường máu trở lại Hồng Cúm, mang theo 15 xác chết và 50 tên bị thương.

Thời tiết tốt, không quân địch hoạt động trở lại, các máy bay vận tải C.119 do phi công Mỹ điều khiển thả dù tiếp tế đạn dược, lương thực; các máy bay chiến đấu cũng lao xuống, kết hợp với pháo binh địch bắn phá dữ dội vào các điểm cao C1, D1, E và A1.

Trong ngày, bộ đội các đơn vị đã chiến đấu dũng cảm, ngoan cường đánh địch lui nhiều đợt phản kích của địch, chiếm lại các mục tiêu đã mất tại đồi D1, C1 và tổ chức tiến công địch tại đồi A1 lần thứ 2. Được tăng cường một đại đội của Trung đoàn 174, Trung đoàn 102 tổ chức tiến công địch tại đồi A1. Tuy nhiên, ta tổ chức bốn đợt xung phong mà không vượt qua được tuyến ngang trước hầm ngầm. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co quyết liệt, địch chiếm 2 phần 3 cứ điểm, ta bám trụ lại ở 1 phần 3 phía đông đồi A1.

Trên chiến trường phối hợp, tại Liên khu 4, quân ta đánh lật một đoàn tàu, tiêu diệt một đại đội của địch.

Ngày 01-04-1954

5 giờ sáng ngày 1/4/1954, hai xe tăng địch và quân tiếp viện xuất hiện tại đồi A1. Lúc này, lực lượng tại chỗ của địch tại đây và quân tiếp viện được tổ chức lại, dựa vào xe tăng xông lên phản kích hòng đánh bật ta ra khỏi cứ điểm. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, các ụ súng, chiến hào đều bị đạn bom cày nát. Cùng ngày, địch tổ chức 3 đợt xung phong, nhưng đều bị Trung đoàn 102 đẩy lui, hàng trăm lính dù bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Đêm 1/4/1954, Trung đoàn 102 tổ chức đợt tiến công thứ 3 về phía hầm ngầm trên đồi A1. Địch chống cự quyết liệt. Ta đột kích mạnh vào khu hầm ngầm địch cố thủ nhưng không tìm được cửa hầm. Do hỏa lực địch chế áp mạnh, ta buộc phải rút về tuyến phòng ngự. Những ngày tiếp theo, mỗi bên chiếm giữ một nửa cứ điểm, ta ở nửa phía đông, địch chiếm phần phía tây cứ điểm.

Trong lúc Trung đoàn 102 đang chiến đấu trên đồi A1, Trung đoàn 36 nhận được lệnh tiến công tiêu diệt cứ điểm 106 của địch. 18 giờ 30 phút ngày 1/4/1954, cuộc tiến công cứ điểm l06 bắt đầu; hỏa lực của ta đồng loạt bắn phá mãnh liệt vào cứ điểm.

Sau một loạt pháo 105mm bắn dồn dập, Tiểu đoàn 80 của Trung đoàn 36 đã vận động tới sát nút hào cuối cùng. Đại đội đi đầu lập tức lao bộc phá mở cửa.

Do hệ thống phòng ngự của địch trong cứ điểm suy yếu, đại đội chủ công của Tiểu đoàn 88 xông thẳng vào sở chỉ huy, bắt sống tên Trung úy đồn trưởng. Tiểu đoàn 80 đã nhanh chóng đánh chiếm khu A và tiến thẳng sang khu B theo đường hào trong cứ điểm diệt địch, bắt sống được 33 tên. Tại khu C, địch dựa vào lô cốt, hầm hào chống cự quyết liệt, nhưng đều bị ta vô hiệu hóa. Chỉ trong vòng 30 phút Trung đoàn 36 đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm 106, tiêu diệt và bắt sống 160 tên lính lê dương.

Về phía địch: Nava quyết định đưa thêm 3 tiểu đoàn dù tăng viện cho Điện Biên Phủ với hy vọng: “Nếu Điện Biên Phủ giữ được 3 ngày nữa, Việt Minh sẽ phải bỏ cuộc”. Máy bay Pháp bắt đầu thả dù ban đêm tăng viện cho Điện Biên Phủ, nhưng mới thả được 1 trung đội thì phải ngừng, vì pháo sáng soi rõ bãi thả, trở thành mục tiêu cho bộ đội ta tiêu diệt.

Ngày 02-04-1954

Ngày 2/4/1954, Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ tiến công tiêu diệt cứ điểm 311 của địch. Nhận thấy 2 đại đội ngụy Thái bảo vệ cứ điểm đang mất tinh thần do cứ điểm 106 bị tiêu diệt, bộ đội ta chuyển sang kêu gọi làm công tác địch vận.

Ta dùng loa và bắn đạn truyền đơn vào kêu gọi địch đầu hàng:Hỡi các bạn binh sĩ Thái, hãy bỏ hàng ngũ địch, quay về với kháng chiến, quay về với gia đình!...”.

Ngay buổi chiều cùng ngày, phần lớn 2 đại đội ngụy Thái kéo cờ trắng ra hàng, một số bỏ cứ điểm chạy về Mường Thanh. Hai đội dũng sĩ của ta thâm nhập vào sân bay Mường Thanh, bắt 10 tù binh.

Về phía địch, lúc 11 giờ ngày 2/4/1954, quân địch tăng viện từ Mường Thanh ra phối hợp với lực lượng cố thủ ra sức mở nhiều đợt phản kích định chiếm lại cứ điểm đồi A1.

Trên trận địa ta chỉ còn lại hơn 50 người. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung đoàn trưởng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chia thành nhiều tổ phụ trách từng đường hào. Các cán bộ tiểu đoàn, kể cả Trung đoàn trưởng cũng nhiều lần dùng tiểu liên, thủ pháo, bộc phá ống cùng bộ đội đánh địch phản kích, đẩy lui nhiều đợt tiến công của chúng. Nửa đêm quân địch lại tổ chức một đợt tiến công mới nhằm chiếm lại cứ điểm đồi A1 nhưng không đạt kết quả.

Cùng ngày, địch cho tiểu đoàn số 2 thuộc trung đoàn dù thuộc địa số 1 bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, do Bréchignac chỉ huy. Ban chỉ huy tiểu đoàn đóng tại Eliane 4 (C2). Lực lượng lính dù ngụy người Việt trong cứ điểm cũng đặt dưới sự chỉ huy của Bréchignac. Do địch mất cứ điểm Huguette 7 (106), cứ điểm Huguette 6 (105) trở thành mục tiêu tiếp theo quân ta tiến công.

Ngày 03-04-1954

4 giờ 30 phút ngày 3/4/1954, Trung đoàn 102 (Đại đoàn 308) được lệnh bàn giao lại trận địa ở sườn phía đông đồi A1 cho Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316), về tập kết tại rừng Mường Phăng để củng cố lực lượng.

Chiều cùng ngày, Đại đoàn 312 sử dụng Trung đoàn 165 tiến công cứ điểm 105 (Huguette 6) nằm không xa cứ điểm 106 vừa bị tiêu diệt. Cuộc chiến đấu kéo dài tới sáng hôm sau, ta chiếm được hai phần ba cứ điểm và chỉ tiêu diệt được một bộ phận địch.

Sau 5 ngày chiến đấu của đợt 2, ta đã thu được thắng lợi quan trọng. Ở phía đông, ta đã chiếm được 4 ngọn đồi hiểm yếu. Ở phía tây, ta chiếm thêm được các điểm cao 106, 311. Phạm vi chiếm đóng của địch bị thu hẹp lại và lực lượng bị tổn thất lớn, trong đó có thêm 3 tiểu đoàn thiện chiến của chúng bị tiêu diệt. Nhưng ta chưa hoàn thành được tất cả các mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được đồi A1 - một mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này.

Chiều 3/4/1954, đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Mặt trận tổng hợp tình hình bốn ngày đêm chiến đấu liên tục trên đồi A1, báo cáo lại với Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Mặt trận. Sau khi trao đổi ý kiến với tập thể lãnh đạo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận hạ lệnh cho các đơn vị “Tạm ngừng chiến đấu từ ngày 4/4. Giữ vững vị trí đã chiếm được ở đồi A1 để sau này tiếp tục tiến công khi có lệnh”.

Ta đề nghị với Pháp ngừng bắn một thời gian để hai bên cùng thu dung thương binh, vì đã qua 24 giờ nhưng chưa có ai được đưa ra khỏi cứ điểm 106 (Huguette 7).

Về phía địch, trong ngày, đơn vị cuối cùng của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn dù thuộc địa số 1 nhảy dù xuống phân khu Trung tâm.

Chiến trường phối hợp, đêm 3/4/1954, Bộ đội đặc công tỉnh Bình Định hoạt động ở thị xã Quy Nhơn tập kích vào "Trung Hoa hý viện", kết quả loại khỏi vòng chiến đấu hơn 200 tên địch.

Ngày 04-04-1954

Sau các trận đánh ở các cứ điểm đồi A1 và 105 không thành công, nhận thấy nếu tiếp tục tiến công, bộ đội ta sẽ bị thương vong nhiều mà vẫn không thu được kết quả; Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh tạm dừng tiến công. Các đơn vị tiếp tục giữ vững phần đồi đã giữ được, tạo đà cho trận đánh sau.

Từ sau ngày 4/4/1954, sau khi Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh tạm ngừng chiến đấu, trên chiến trường mặt phía đông đã ngớt tiếng súng, nhưng ở phía tây các đơn vị vẫn tiếp tục đào hào, đánh lấn, tiến vào sân bay Mường Thanh “cắt đứt cái dạ dày tiếp tế” của địch.

Về phía địch, Pháp tổ chức cuộc chiến đấu giành giật các cứ điểm Huguette (phía tây) bảo vệ đường băng sân bay Mường Thanh:

Đại đội Bailly, thuộc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 xuất phát từ Opéra đến ứng cứu bằng cách tiến quân theo mương thoát nước, nhưng được nửa đường thì bị chặn lại.

Đại đội Clédic, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn dù thuộc địa số 1 vừa nhảy xuống trong đêm trước, đánh thẳng vào đường băng, buộc một tiểu đoàn của ta bố trí ở điểm nút phải rút lui.

Tại Paris, Đại tá Brohon từ Việt Nam đã về tới sân bay Orly và đi thẳng tới nhà tướng Ely. Đại tá Brohon báo cáo đã gặp tướng Navarre để phổ biến về kế hoạch ném bom Vautour (Chiến dịch Chim kền kền).

Trong khi đó, tướng Ely đã có trong tay bức điện của Navarre cho rằng, kế hoạch ném bom này có thể có hiệu quả quyết định. Tướng Ely quyết định soạn thành văn bản để trình bày trong cuộc họp hạn chế của Hội đồng Quốc phòng. Sau đó gửi Navarre một bức điện với nội dung: “Chính phủ đã gửi Washington bản đề nghị can thiệp đã được ông hưởng ứng. Tôi đảm bảo ông được hoàn toàn ủng hộ”.

Ngày 05-04-1954

Sáng ngày 5/4/1954, đơn vị Clédic có thêm một đại đội thuộc Tiểu đoàn dù xung kích số 8 được tăng cường xuống Điện Biên Phủ, hòng chiếm lại hoàn toàn cứ điểm 105 (Huguette 6). Sau đó, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn dù thuộc địa số 1 do Minaud chỉ huy tới thay cho đơn vị Clédic rút về phía sau làm lực lượng dự bị.

De Castries gửi điện yêu cầu Cogny tăng viện gấp cho Điện Biên Phủ cả lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, thậm chí cả binh lính.

Trước tình cảnh ở Điện Biên Phủ, Navarre trông đợi vào kế hoạch ném bom Vautour (Chiến dịch Chim kền kền), động viên binh lính cố cầm cự cho tới mùa mưa Việt Minh sẽ phải rút.

Ngày 06-04-1954

Ngày 6/4/1954, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy Chiến dịch triệu tập cán bộ từ cấp trung đoàn trở lên dự hội nghị sơ kết đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tại hội nghị, đại diện các đại đoàn báo cáo thành tích, ưu khuyết điểm của mình. Kết luận hội nghị, đồng chí Chỉ huy trưởng chiến dịch chỉ rõ: ta đã tiêu diệt 4 cứ điểm phía đông, tiêu diệt và bức hàng 2 cứ điểm phía tây, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch. Nguyên nhân thắng lợi của ta là do chủ trương, phương châm và kế hoạch tác chiến chính xác.

Bên cạnh kết quả đạt được, hội nghị sơ kết đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm nghiêm trọng về chiến thuật, về chấp hành mệnh lệnh, cá biệt có đồng chí rời bỏ nhiệm vụ... Một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không tuân thủ nguyên tắc về chỉ huy, về chiến thuật, về nắm địch, về tập trung binh-hỏa lực khi đánh công sự vững chắc; không tiết kiệm đạn dược... Nguyên nhân chính là do chấp hành mệnh lệnh chưa nghiêm, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu quyết tâm, lập trường không vững.

Thực tế ta không tiêu diệt được địch ở cứ điểm đồi A1, một phần do khuyết điểm về tổ chức trinh sát không tỉ mỉ ở phía sau đồi A1. Tại đây, địch có một giao thông hào đi từ khu trung tâm lên cứ điểm đồi A1 bảo đảm an toàn cho các đơn vị địch phản kích mà ta không phát hiện được.

Về phía địch, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kiểm kê dự trữ đạn pháo chỉ còn 418 quả 155mm, 616 quả 105mm và 1422 quả cối 120mm; đạn pháo sáng cho cối 60mm của các đơn vị bộ binh tiền duyên cũng như cho cối 81mm không còn. Một phi đội C119 của địch đã thả 18 tấn đạn 105mm, hai khẩu đại bác 75mm và thuốc men xuống gần bản Cò Mỵ rơi vào trận địa của ta.

Ngày 07-04-1954

Ngày 7/4/1954, chiến hào của quân ta nhích dần chung quanh Phân khu Hồng Cúm. Pierre Langlais lệnh cho binh lính lấp giao thông hào của ta và lấp được 20m hào.

Pháp điều 11 máy bay C119 thả dù lương thực và đạn dược tiếp tế cho Điện Biên Phủ.

Cũng trong ngày 7/4/1954, tại cứ điểm 208 (Huguette 2), 70 lính Thái thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn lính Thái số 3 đào ngũ. Quân Pháp phải đưa lực lượng tới cứ điểm 208 tước vũ khí đại đội lính Thái, còn các sĩ quan Pháp chỉ huy đại đội này được điều về tăng cường cho Đại đội 1, Tiểu đoàn ngụy dù số 5.

Tại Paris, tướng Partridge, Tư lệnh Không quân Mỹ khu vực Thái Bình Dương đề nghị gặp tướng Navarre để bàn cụ thể kế hoạch Vautour (Chiến dịch Chim kền kền) ném bom ồ ạt xuống Điện Biên Phủ.

Ngày 08-04-1954

Ngày 8/4/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch hạ quyết tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2 Chiến dịch Điện Biên Phủ, đó là: Tiêu diệt thêm một bộ phận sinh lực địch, chiếm thêm một số vị trí có lợi, đưa trận địa tiến công và bao vây vào gần địch hơn nữa; thắt chặt thêm vòng vây, đánh chiếm sân bay nhằm mục đích triệt hẳn đường tiếp tế và tăng viện của địch.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ còn lại của đợt 2, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị các đơn vị tăng cường xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch; khi trận địa ta càng vào gần, vòng vây càng khép chặt, địch sẽ càng ngoan cố đối phó. Do vậy, ta phải có trận địa tốt để bao vây và trụ bám đánh địch phản kích.

Bên cạnh đó, ta khống chế không phận Điện Biên Phủ bằng mọi thứ hỏa lực, suốt cả ngày lẫn đêm, tổ chức tranh đoạt dù tiếp tế và tiếp viện đường không, làm mất chỗ dựa chủ yếu còn lại của địch, đẩy chúng vào tình thế ngày càng nguy khốn...

Về phía địch, chúng tăng cường 167 lính nhảy dù cho Điện Biên Phủ; điều 2 máy bay C119 trút toàn bộ số đạn pháo mang theo xuống bãi thả dù. Đến sáng ngày 8/4/1954, một đơn vị Pháp được cử ra tận bản Cò Mỵ để thu nhặt thì không còn vết tích gì về số đạn pháo đã thả lạc.

Tại Sài Gòn, Đại tá Gentil, Trưởng ban kỹ thuật Quân đội Pháp cho biết, sau khi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia ở Pháp và đề xuất có thể gây mưa nhân tạo trên đoạn Đường 41 dẫn đến Điện Biên Phủ. Những trận mưa nhân tạo, kết hợp với những cơn dông tự nhiên có thể gây khó khăn cho xe ô-tô tải chở vật chất tiếp tế cho bộ đội ta.

Dù khả năng đạt kết quả của công trình thử nghiệm này rất yếu, nhưng Navarre đã đồng ý cho huy động các phương tiện để thử nghiệm.

Ngày 09-04-1954

Ngày 9/4/1954, de Castries huy động 1 tiểu đoàn có xe tăng và hỏa lực mạnh yểm hộ, mở cuộc phản kích chiếm lại đồi C1 để cải thiện thế đứng chân của chúng tại khu đông trận địa trung tâm, nhưng chúng bị Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 liên tiếp bẻ gãy ba đợt xung phong.

16 giờ cùng ngày, quân ta phát bức điện về việc trao đổi thương binh: Gửi Ông Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ - “stop” - Chúng tôi đã nhận được lời thông báo của ông về chuyện thương binh chúng tôi đang đợi chỉ thị của cấp trên và hy vọng mai sẽ trả lời được cho ông biết giờ hẹn gặp - “stop” - Ký tên Trung đoàn trưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam bố trí ở phía đông Điện Biên Phủ.

Trong ngày, cơ quan quân y của ta báo cáo có 240 thương binh "được nằm", còn 350 người khác vẫn "phải ngồi" trong hầm chật hẹp; thương binh nào không cần phải có thầy thuốc theo dõi thường xuyên được trả về đơn vị; tổng số thương binh ở trạm xá và ở đơn vị vào thời điểm này là hơn 1.500 người.

18 giờ ngày 9/4/1954, địch sử dụng 2 máy bay Helldiver của hàng không mẫu hạm Arromanches bay thấp trên Đường 41 tìm đánh phá những đoàn vận tải của ta đang trên đường chuyển ra mặt trận; trong đó 1 máy bay của địch đã bị pháo cao xạ của ta bố trí ở Him Lam bắn rơi xuống phía tây Nà Noọng (Claudine 4). Ngay trong đêm, Pháp tiếp tục bổ sung 77 lính dù và 195 tấn hàng tiếp tế xuống Điện Biên Phủ, nhưng địch chỉ thu nhặt được 6 tấn hàng.

Ngày 10-04-1954

Cuộc phản kích chiếm lại đồi C1 của địch bước sang ngày thứ 2. Đến trưa ngày 10/4/1954, địch đã chiếm được một phần đồi C1. Lực lượng tiếp viện của Trung đoàn 98 đã phải dùng lưỡi lê ào lên đánh giáp lá cà với địch.

Với ưu thế của hỏa lực không quân, được pháo binh chi viện, địch tập trung lực lượng và hỏa lực phản kích chiếm lại được đỉnh đồi C1, đẩy 1 đại đội của Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 98 lùi xuống nửa đồi phía đông. Đến 21 giờ cùng ngày, Trung đoàn 98 tổ chức đợt phản kích nhưng không thành công. Trong ngày, quân Pháp thả 302 lính dù lê dương, cùng 195 tấn đạn dược xuống Điện Biên Phủ.

Theo đề nghị của ta, hai bên trao trả thương binh: Lính Pháp bị thương được trao trả ở phía nam Claudine, trên đường 41; thương binh ta được trao trả ở Km số 2 đường Pavie (đi Lai Châu).

Để thực hiện các nhiệm vụ còn lại của đợt 2, theo quyết tâm của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ngày 10/4/1954, Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh số 95/B1, do Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký, gửi Đại đoàn 308, 312, 316, 304, 351 và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị nêu trên.

Cũng trong ngày 10/4/1954, Tổng cục Chính trị ra Chỉ thị số 88-CTH, do đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị ký về lãnh đạo tư tưởng hoàn thành nhiệm vụ Chiến dịch Đông Xuân. Chỉ thị được gửi đến các đại đoàn, các khu tư lệnh và các trung đoàn trực thuộc. Theo đó, Chỉ thị đã biểu dương các cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn, chiến đấu anh dũng và lập nhiều thành tích to lớn, nhất là các trận ở sân bay Gia Lâm, Cát Bi, đường số 5 và khu Tây Nguyên…

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đề ra phương châm lãnh đạo tư tưởng là: Đẩy mạnh tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, nâng cao quyết tâm tiêu diệt địch lên một bước nữa; khắc phục tư tưởng chủ quan khinh địch, sợ mỏi mệt muốn nghỉ ngơi; tích cực phối hợp với Điện Biên Phủ tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa, giành thắng lợi hoàn toàn cho Chiến dịch Đông Xuân.

Ngày 11-04-1954

Cuộc phản kích của địch chiếm đồi C1 bước sang ngày thứ ba. 2 giờ sáng ngày 11/4/1954, trên mỏm cao Cột Cờ ở cứ điểm đồi C1 không còn đường hào, công sự nào nguyên vẹn. Cả ta và địch đều dồn mọi nỗ lực vào việc củng cố chỗ đứng chân trên quả đồi đã bị bom đạn hủy diệt toàn bộ công sự chiến đấu cũng như chỗ ẩn náu.

Bộ đội ta phải lui về tuyến cũ tổ chức phòng ngự. Trung đoàn 98 làm nhiệm vụ phòng ngự tại đồi C1 cũng được tăng cường Tiểu đoàn 888, thuộc Trung đoàn 176.

Đến chiều ngày 11/4/1954, Đại đội 811, Tiểu đoàn 888 được đưa ra phòng ngự tại đồi C1 thay cho các đơn vị đã chiến đấu suốt hai ngày rút về phía sau. Từ đây, Đại đội 811, Tiểu đoàn 888 đảm nhiệm phòng ngự tại đồi C1 20 ngày liền cho tới lúc ta hoàn toàn tiêu diệt cứ điểm này.

Quân Pháp cũng phải đưa đại đội thứ ba của Tiểu đoàn lê dương dù 2 vừa chân ướt chân ráo tới Mường Thanh thay thế cho lực lượng chiến đấu suốt đêm ngày 10 rạng ngày 11/4/1954 đã quá rệu rã.

Đến đêm 11/4/1954, quân ta tiếp tục phản kích nhưng vẫn không chiếm được khu vực Cột Cờ; đồi C1 bị chia làm đôi, ta và địch mỗi bên chiếm một nửa đồi. Ta và địch đã quá hiểu nhau, chấp nhận tạm thời giữ nguyên trạng; thỉnh thoảng có những trái lựu đạn, những loạt súng liên thanh qua lại, những luồng súng phun lửa, các cuộc đột kích chớp nhoáng diễn ra.

Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi Thư cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 đang tham gia tiễu phỉ trên địa bàn miền núi phía bắc.

Đại tướng gửi lời khen ngợi đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và thông báo một trong những âm mưu của địch là đánh phá đường vận tải, gây khó khăn cho ta trong quá trình cung cấp, tiếp tế, chi viện, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 9 phải giữ vững được tuyến vận tải, bảo đảm đường sá thông suốt, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch.

Ngày 12-04-1954

Ngày 12/4/1954, Bộ đội ta tiếp tục đào vây lấn, uy hiếp các cứ điểm 105 và 106 của địch. Lúc 11 giờ 40 phút cùng ngày, chiếc máy bay thứ 50 của quân Pháp bị ta bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đó là pháo đài bay ném bom 4 động cơ B.24 (Privateer), với tổ bay 9 người, lần đầu bị hạ trên chiến trường Việt Nam; bom nằm trong khoang địch chưa kịp thả; số bom này đã cung cấp cho bộ đội công binh thuốc nổ để ta đặt trong đường hầm A1 vào đầu tháng 5.

15 giờ chiều cùng ngày, một máy bay B.26 thả bom trúng vị trí quân Pháp ở cứ điểm Epécviê, ngay gần Sở Chỉ huy của Đờ Cátxtơri, làm nổ tung một kho đạn và chết nhiều binh lính. Nguyên nhân là do lưới lửa phòng không cao xạ của ta đang kiểm soát chặt chẽ bầu trời Điện Biên Phủ gây khó khăn cho những viên phi công Pháp, cùng với những chiến hào đang ngày càng tiến sát địch khiến vị trí đôi bên quá gần nhau, gây khó khăn cho phi công Pháp trong việc cắt bom và tiếp tế.

Để tránh lưới lửa phòng không của quân ta, thực dân Pháp phải chuyển sang thả dù lương thực, đạn dược ban đêm. Có đêm Tập đoàn cứ điểm nhận được hơn 200 tấn đồ tiếp tế. Tình hình lương thực của tập đoàn cứ điểm được cải thiện chút ít; làm theo cách này những chiếc máy bay vận tải cũng được an toàn hơn, nhưng việc thu lượm dù vẫn phải tiến hành ban ngày. Dẫu vậy, địch vẫn vấp phải những khó khăn mới, bởi Bộ Chỉ huy chiến dịch tiếp tục chủ trương cho các đơn vị tổ chức đoạt dù, chặn đường tiếp tế của địch để khoét sâu thêm khó khăn của địch, kịp thời bồi dưỡng lực lượng ta. Thực hiện chủ trương nêu trên, tất cả các đại đoàn đặt ra kế hoạch đoạt dù địch rất hào hứng sôi nổi.

Cũng trong ngày 12/4/1954, Tổng Quân ủy ra Chỉ thị số 26-TQU/H gửi các Khu ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu và Đảng ủy các đơn vị về việc phổ biến chính sách của Chính phủ đối với ngụy binh và nhân viên ngụy quyền bỏ hàng ngũ giặc trở về với Tổ quốc.

Ngày 13-04-1954

Ngày 13/4/1954, Pháp thả 240 tấn hàng, trong đó có 50 tấn lương thực, xuống Điện Biên Phủ. Qua 2 đợt chiến đấu, quân ta đã chiếm lĩnh đại bộ phận các cao điểm ở mặt Đông - trọng điểm phòng ngự của địch bị vỡ, vòng vây thắt chặt, Mường Thanh và sân bay bị uy hiếp, việc tiếp tế và tăng viện của địch bằng không quân gặp nhiều khó khăn lớn. Ý định của địch là tìm mọi cách chiếm lại đồi C1 và dần dần chiếm các điểm cao phía đông bắc nhằm khôi phục lại trận địa phòng ngự.

Nhiệm vụ của ta lúc này là kiên quyết giữ những điểm cao đã chiếm được, không để cho địch phản kích chiếm lại, để giữ thế bao vây, uy hiếp địch, đồng thời là bàn đạp tiến công tiêu diệt địch. Để làm tốt điều này, ngày 13/4/1954, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị về mấy vấn đề xây dựng trận địa phòng ngự trên các cứ điểm mới chiếm lĩnh.

Trước tình hình cứ điểm địch bố trí phức tạp, dày đặc, bên trong lại chia thành khu vực, mỗi khu vực một phần nào đó có thể chiến đấu độc lập. Trong tung thâm, các cứ điểm sát nhau thành nhiều tầng, lớp ngang dọc. Do đó, Bộ Tổng Tham mưu đã ra Chỉ thị vấn đề dùng bộ đội nhỏ “đánh lấn” trong công kiên có tính chất trận địa. Bởi, ta dùng bộ đội nhỏ đánh lấn kết hợp với lối đánh công kiên thường là để tranh thủ sát thương thêm nhiều sinh lực địch, phá hủy dần công sự của chúng, tạo điều kiện tốt để tấn công tiêu diệt chúng.

Cùng ngày, Bộ Tổng Tham mưu ra Chỉ thị số 98-CT/B1 về việc huấn luyện cấp tốc tân binh mới bổ sung. Theo chủ trương của Tổng Quân ủy, các đơn vị đều được bổ sung thêm một số tân binh.

Để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng, chúng ta phải tranh thủ từng giờ, từng phút huấn luyện cho tân binh những phần cần thiết.

Nội dung huấn luyện nhằm 4 kỹ thuật: bắn súng, ném lựu đạn, đào công sự và đánh bộc phá.

Về phương pháp huấn luyện: Từng cựu binh huấn luyện cho từng tân binh; cán bộ từ trung đội trưởng trở xuống huấn luyện từ 1-2 người… Huấn luyện để bảo đảm cho tân binh khi chiến đấu giết giặc không phải chịu những thương vong vô ích vì bỡ ngỡ, vì kỹ thuật non kém.

Ngày 14-04-1954

Trên cánh đồng Mường Thanh, sáng ngày 14/4/1954, toán địch đầu tiên đi tuần trên sân bay, chợt nhận thấy đường hào ở phía tây đã cắt đứt liên lạc giữa Huguette 1 (cứ điểm 206) và Huguette 6 (cứ điểm 105) với khu trung tâm. Một mũi hào khác đâm thẳng vào sân bay Mường Thanh... Buổi trưa, những đơn vị dù 6 và 8 thử mở đường tới Huguette 1, nhưng bị chặn lại trước những bãi mìn mới rải và những loạt đạn súng cối của ta.

13 giờ 30 phút cùng ngày, Đờ Cátxtơri điện cho Cônhi: “1. Số phận của G.O.N.O sẽ được định đoạt trước ngày 10/5 (...). 2. Trận địa phát triển đe dọa Huguette 1 và Huguette 6. Mưu toan giải tỏa Huguette 1 tiến hành sáng nay vấp phải nhiều bãi mìn giữa Huguette 1, Huguette 3, Huguette 5 và hỏa lực súng cối và pháo binh. Sẽ tiếp tục khi trời tối đồng thời với việc sửa chữa đường băng”.

Theo kế hoạch, hai trung đoàn của Đại đoàn 308 và hai trung đoàn của Đại đoàn 312 đã được triển khai chung quanh phía bắc sân bay. Cứ điểm 206 bảo vệ phía tây sân bay đã bị chiến hào của Trung đoàn 36 cắt rời khỏi Mường Thanh. Cứ điểm 105 ở phía bắc sân bay cũng bị chiến hào của Trung đoàn 165 bao vây. Hai mũi chiến hào của Đại đoàn 308 và 312 đang nhanh chóng đâm thẳng vào giữa sân bay.

Chiều 14/4/1954, trong lúc những chiếc xe vận tải của địch được đưa tới Épervier để thu dù, nhận đồ tiếp tế thì một loạt đạn đại bác của ta rót đúng khu vực. Nhiều thứ lương thực, trong đó có 5.080 suất ăn chiến đấu, 300kg phomát, 700kg chè, 450kg muối, 110 thanh sô-cô-la... đều bốc cháy...

Cùng ngày, Na-va điện cho Ê-ly đề nghị Mỹ dùng từ 15 đến 20 máy bay B-29 ném bom xuống đường 41 quãng giữa sông Hồng và Tuần Giáo. Nhưng Ê-ly trả lời; "Rát-pho không chấp nhận giải pháp này"…

Trên chiến trường phối hợp: Đêm 14/4/1954, Đại đội 29, Tiểu đoàn 58 của tỉnh Hưng Yên dùng chiến thuật mật tập địch ở Chùa Đàm, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch. Tại Tứ Kỳ, Hải Dương, đêm cùng ngày, bộ đội huyện dùng nội ứng đánh vị trí Đại Lộ lần thứ hai, bắt 30 tên. Trên đường 20, Đại đội 75 tổ chức phục kích đoạn Phủ Vạc đi Kẻ Sặt, diệt và bắt 1 trung đội địch; 1 đại đội tỉnh phối hợp Trung đoàn 42 chủ lực Liên khu 3 tập kích ở làng Sãi, diệt 2 đại đội địch, bắt 50 tên.

Ngày 15-04-1954

Tại Phân khu nam, vào lúc 16 giờ ngày 15/4/1954, một chiếc máy bay C.119 bay đến lượn mấy vòng rồi thả xuống một loạt dù, trong đó có một chiếc dù đỏ rơi gần trận địa của ta. Xẩm tối, chiến sĩ ta ra lấy dù, thấy có một chiếc hòm đã đưa về Sở Chỉ huy Trung đoàn 57. Trong hòm toàn những gói quà gồm: thuốc lá, rượu, xúc xích, jăm-bông, áo may ô, lưỡi dao cạo râu và một lá thư màu hồng sực mùi nước hoa của vợ Đờ Cát-xtơ-ri gửi cho chồng nhân dịp được thăng quân hàm cấp tướng.

Đơn vị xin ý kiến Bộ Chỉ huy mặt trận cách xử lý với lá thư. Chủ nhiệm Chính trị Lê Liêm nói nên chuyển lại cho Đờ Cát-xtơ-ri.

Ta thông báo trên bộ đàm. Chỉ một giờ sau, đúng theo quy ước, một tên lính Pháp mang cờ trắng tới địa điểm hẹn, nhận lá thư đem về Mường Thanh.

Chung quanh cụm cứ điểm Hồng Cúm, các chiến sĩ súng trường, súng máy, sơn pháo, các cỡ súng cối lớn nhỏ sẵn sàng chờ địch xuất hiện. Sau nhiều lần bị ta đánh lừa, ban ngày quân địch không dám đi lại, không dám nhô đầu lên khỏi chiến hào. Mỗi lần đi thu nhặt dù, địch phải tổ chức như một trận đánh có xe tăng đi kèm và pháo bắn hiệp đồng.

Đêm 15/4/1954, chiến hào của Trung đoàn 88 ở phía tây và chiến hào Trung đoàn 141 ở phía đông đều vượt qua 5 lần rào tiến vào sân bay... Nhận thấy sân bay Mường Thanh có nguy cơ bị cắt làm đôi và Cứ điểm 105 (Huguette 6) ở đầu bắc sân bay sắp bị tiêu diệt, Đờ Cát-xtơ-ri ra lệnh Lăng-gơ-le lập tức tiến hành giải tỏa sân bay, trước hết là tiếp tế cho Cứ điểm 105. Sau đó, Lăng-gơ-le huy động ba tiểu đoàn dù số 1, số 2 và số 6 mở cuộc hành binh giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105. Lúc đó, binh lính lê dương ở cứ điểm này không chỉ thiếu đạn dược, mà còn thiếu cả nước uống.

Rạng sáng cùng ngày, đoàn quân của địch đi giải tỏa đã chạm đường hào của Trung đoàn 141 trên sân bay, cuộc chiến đấu diễn ra suốt bốn giờ liền địch mới mở được đường mang đồ tiếp tế đến cho Cứ điểm 105. Lúc xuất phát có 35 người gánh nước, khi tới đồn chỉ còn 7 người và 5 thùng nước. Lính trong đồn đành phải chia nhau dè sẻn, mỗi ngày mỗi tên chỉ được phân phát một ca nước trong lúc trời rất nóng nực.

Ngày 16-04-1954

Thực hiện chủ trương và cách đánh do Bộ Chỉ huy và cơ quan chiến dịch hướng dẫn, các đơn vị đã xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên tất cả các hướng, ngày càng tiến gần địch, có nơi chỉ cách địch từ 10 đến 15m.

Các khu vực đã chiếm được như đồi E, D1 trở thành các cứ điểm phòng ngự vững chắc của ta, có cả trận địa bắn của sơn pháo và súng cối thường xuyên uy hiếp địch.

Ngày 16/4/1954, chiến hào của Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 nối liền với nhau, cắt đôi sân bay Mường Thanh.

Tại Phân khu Hồng Cúm, chiến hào của Trung đoàn 57 ngày càng tiến gần các lô cốt của địch. Địch điên cuồng đối phó. Ban ngày, chúng đưa xe tăng, bộ binh ra lấp chiến hào rồi cài mìn đánh bẫy quân ta. Ban đêm, chúng tổ chức từng toán nhỏ phục kích ngay ở mũi các chiến hào…

4 giờ sáng ngày 16/4/1954, hai đại đội lê dương Pháp lợi dụng lúc trời còn tối bộ đội ta sắp quay về nghỉ ngơi, chúng chia thành hai mũi đột nhập vào chiến hào của Đại đội 54, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.

Đại đội 54 từ chỗ bị đột kích bất ngờ, nhưng nhờ bình tĩnh xử trí, các lực lượng linh hoạt và chủ động hiệp đồng yểm trợ nhau, đã chuyển từ bị động thành chủ động tiến hành một trận phản kích, tiến công từ ba phía giành thắng lợi giòn giã.

Trên hướng cánh đồng Mường Thanh, cuộc giải tỏa và tiếp tế cho Cứ điểm 105 (Huguette 6) do Lăng-gơ-le chỉ huy bước sang ngày thứ 2, đã để lại cho địch tổn thất nặng nề về lực lượng. Đến đêm 16/4/1954, hai tiểu đoàn địch sau khi chiến đấu suốt 10 tiếng đồng hồ mới mở được con đường tiếp tế để đưa tới Cứ điểm 105 được 6 hòm đạn và vài thùng nước.

Cùng ngày, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra Mệnh lệnh gửi Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308. Theo đó, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ: Dùng toàn bộ lực lượng Trung đoàn 88 để tiêu diệt cứ điểm 105, tối 16/4/1954 phải hành quân đến vị trí tập kết, không được chậm. Trung đoàn 36 đánh viện trên 2 tuyến: 1) tuyến chính giữa Cứ điểm 105 và 206; 2) giữa cứ điểm 206 và 208 từ phía tây cho đến sân bay; tối 16/4/1954, phải tích cực xây dựng trận địa đánh viện.

Ngày 17-04-1954

Các cứ điểm 105 và 206 có giá trị quan trọng đối với địch, do vậy địch cố giữ cứ điểm 105 và 206 để bảo vệ sân bay Mường Thanh và khống chế khu vực tương đối rộng nhằm ngăn chặn quân ta tiến công.

Ngày 17/4/1954, Tổng Quân ủy quyết định chỉ đạo Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 phải gấp rút chuẩn bị để đêm 18/4/1954 có thể đánh cứ điểm 105 và 206; đồng thời quyết định sử dụng Trung đoàn 88 thay Trung đoàn 165 tiêu diệt vị trí 105, Trung đoàn 36 phụ trách dương công 206, chặn viện phía tây, Đại đoàn 312 chặn viện phía đông, tạo điều kiện để khống chế không phận địch và thắt chặt thêm vòng vây sân bay Mường Thanh.

Cùng ngày, Tổng Quân ủy có thư gửi các đồng chí trong Bộ Tư lệnh Đại đoàn 308 và Đại đoàn 312; đề nghị chỉ huy hai đại đoàn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 105 vô cùng quan trọng và việc thay đổi này nhằm hoàn thành triệt để nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm 105.

Ở phía Tây, Trung đoàn 36 xây dựng trận địa vây ép đánh lấn cứ điểm 206 (Huguette 1), Trung đoàn 88 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh, bắt liên lạc với Trung đoàn 141 đang tiến vào sân bay từ phía đông.

Đến đêm 17/4/1954, ba mũi chiến hào của Trung đoàn 36 đã vây bọc kín cứ điểm 206, Trung đoàn 88 đưa đường hào vào sát sân bay Mường Thanh, các đường hào của ta đã lách vào bên trong các lớp rào bao quanh cứ điểm 105. Việc đào trận địa vây ép đã tạo điều kiện để bộ đội đánh lấn tiêu diệt cứ điểm địch.

Địch phải huy động tới hai tiểu đoàn, chiến đấu với ta nhiều giờ đồng hồ để mở đường tiếp tế đưa tới Huguette 6 sáu hòm đạn và vài thùng nước.

Trước tình hình đó, tướng Lăng-gơ-le (Langlais) tới gặp chỉ huy trưởng Đờ Cát-xtơ-ri (de Castries) báo cáo tình hình bi đát ở Huguette 6, sau khi nghe báo cáo, Đờ Cát-xtơ-ri thể hiện sự mệt mỏi vì cuộc chiến đấu triền miên, binh lính của ông ta đang bị tiêu hao, năng lực ngày càng kiệt cạn; đồng thời ra lệnh mở một hành lang an toàn cho lính trên đồn Huguette 6 rút về khu Trung tâm.

Ngày 18-04-1954

Các công tác chuẩn bị đã hoàn thành, nhiệm vụ tác chiến của đợt 2 được tiếp tục tiến hành; bộ đội ta tiếp tục đào hào vây lấn vào sát lô cốt địch, nhiều nơi chỉ cách lô cốt địch 15 đến 30 mét.

Từ các điểm cao đã chiếm được, hằng ngày bộ đội kiểm soát được hành động của địch. Ta sử dụng hỏa lực bắn thẳng (ĐKZ, badôka) bắn sập từng lô cốt. Trong khi đó, các tổ bắn tỉa diệt những tên ra sửa công sự, ra quan sát hoặc đi lại trong đồn. Hàng rào địch gồm nhiều lớp, có chỗ dày 50 đến 100 mét nhưng mỗi đêm ta cắt một ít hoặc dùng bộc phá phá một đoạn, đến ngày 18/4/1954, đồn ở phía bắc sân bay Mường Thanh không còn hàng rào nào.

Quân địch giữ đồn hoảng sợ tìm cách rút lui, quân ta chặn đánh tiêu diệt hơn 100 tên, bắt 30 tên. 8 giờ sáng cùng ngày, quân ta đã làm chủ đồn phía bắc (một cứ điểm quan trọng bảo vệ sân bay), trận địa ta tiến thêm được 700 mét về phía Mường Thanh.

Đêm 18/4/1954, Trung đoàn 165 tiến công dứt điểm cứ điểm 105. Khi địch điều xe tăng ra lấp chiến hào, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 bảo vệ chiến hào của ta buộc phải lùi ra xa, dùng súng bắn tỉa quân địch. Khi máy ngắm bị hỏng, chiến sĩ ĐKZ Trần Đình Hùng đã bình tĩnh ngắm mục tiêu qua nòng súng, lắp đạn bắn cháy một chiếc xe tăng. Chiến công của chiến sĩ Hùng đã kết thúc việc lấp đường hào, buộc quân địch phải rút lui.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt, bọn địch ở phía bắc sân bay bí mật rút lúc 3 giờ sáng, nhưng vì bộ đội ta đã đào hào cắt ngang sân bay, cho nên chúng bị bao vây không có nước uống, thiếu ăn. Theo lệnh của chỉ huy, đám lính rút lui bắn từng loạt đạn ngắn, ném từng chùm lựu đạn về phía quân ta rồi tháo chạy. Trong tổng số 120 binh sĩ chỉ còn lại khoảng 60 tên, máu me bùn đất đầy người vượt được cự ly 1.500 mét để chạy vào trú ẩn tại cứ điểm Huguette 2...

Ngày 19-04-1954

Trước những diễn biến gay go, quyết liệt ở Điện Biên Phủ, ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về tiếp tục thấu triệt phương châm “đánh chắc, tiến chắc” để giành toàn thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghị quyết khẳng định: Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ quyết tâm đem toàn lực chi viện cho chiến dịch, góp phần xứng đáng cùng quân đội tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, từ cơ quan của Chính phủ đến các khu ủy, tỉnh ủy, ủy ban hành chính các cấp thuộc Việt Bắc, Tây Bắc, Liên khu 3, Liên khu 4 đã động viên nhân dân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tình nguyện vào bộ đội, tự nguyện đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến (kể cả nhân dân ở những vùng còn bị tạm chiếm).

Hành động thiết thực và nguồn cổ vũ to lớn của hậu phương đã tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội ngoài mặt trận càng tin tưởng, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh để đánh thắng quân thù, tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.

Sáng ngày 19/4/1954, ba mũi hào của Trung đoàn 36 đã đâm vào sát hàng rào của địch; súng ĐKZ của ta bắn sập dần những ụ súng ở tiền duyên, thỉnh thoảng lại một loạt súng cối nã vào vị trí địch.

Các đại đoàn tham gia chiến dịch thực hiện chỉ thị của Mặt trận đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị; cán bộ chiến sĩ đã tự phê bình và phê bình nghiêm khắc các biểu hiện hữu khuynh, tiêu cực. Qua đó nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, đề cao trách nhiệm trước trận đánh lịch sử.

Về phía địch luôn luôn thấp thỏm tưởng là trận đánh đã bắt đầu; máy bay địch phải thả dù tiếp tế trực tiếp xuống cứ điểm, nhưng những tên lính không dám rời hầm ra lấy dù vì sợ đạn bắn tỉa, Huguette 1 kêu cứu với Mường Thanh.

Ngày 20-04-1954

Ngày 20/4/1954, các đại đoàn vừa tiến hành sinh hoạt chính trị, tự phê bình và phê bình sâu sắc, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tăng cường bắn tỉa, đoạt dù tiếp tế của địch. Đại đoàn 308, Đại đoàn 312 quyết tâm đào hào chia cắt sân bay địch xong trước kế hoạch.

Vào lúc 9 giờ 40 phút sáng cùng ngày, sau khi dùng súng cối bắn phá trận địa phòng ngự trực tiếp tiếp xúc của Đại đội 19, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 141, địch cho một trung đội (khoảng 30 lính Âu Phi) đánh vào tuyến hào 1. Trung đội trưởng Dũng chỉ huy bộ đội đập tan đợt tiến công của địch.

Lợi dụng lúc ta tập trung lực lượng chiến đấu với trung đội lính Âu Phi và đạn pháo nổ nhiều, quân địch bí mật cho một đại đội dù (khoảng 80-90 tên) và hai xe tăng tiếp cận tuyến hào 1 đồng loạt nổ súng đánh vào trận địa của Đại đội 19. Chúng chiếm được trận địa cảnh giới và trận địa Trung đội 1.

Quân ta liên tục tổ chức phản kích, đến 16 giờ 40 phút cùng ngày mới khôi phục được trận địa.

Trận chiến đấu của Tiểu đoàn 16 diễn ra rất ác liệt, ta và địch giành đi giật lại ngã tư sân bay. Kết quả, Tiểu đoàn 16 diệt 63 tên địch, bắn hỏng hai xe quân sự, bắn bị thương hàng trăm tên khác, đẩy lùi các đợt tiến công của địch, kiên cường giữ vững trận địa phòng ngự ở ngã tư sân bay Điện Biên Phủ để các đơn vị bạn đào hào siết chặt vòng vây.

Về phía địch, chúng cho hai xe tải chở lính, dây thép gai và các loại mìn chống bộ binh ra tăng cường cho lực lượng đang phòng ngự ở ngã tư sân bay. Bigeard kiểm đếm lực lượng còn lại tổng cộng 2.100 tên. Lực lượng phản công của địch phải lấy từ các đơn vị không bị tấn công.

Cùng ngày, Navarre gửi về Pháp báo cáo tình hình quân sự ở Đông Dương. Theo ông ta, cuộc tổng phản công của quân ta đã diễn ra sớm hơn dự kiến của ông ta tám tháng. Navarre đề nghị Chính phủ Pháp ngừng bắn trước khi thương lượng, hoặc thương lượng mà không ngừng bắn; trong lúc đó thì chuẩn bị một quân đoàn tác chiến mới của người Pháp có trang bị của Mỹ, để tiến hành một cuộc chiến tranh mới bằng những phương tiện khổng lồ.

Ngày 21-04-1954

Ngày 21/4/1954, quân ta đào hào giao thông tới sát cứ điểm 206, xây dựng xong trận địa tiến công và hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu.

Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 tiếp tục đào những mét hào cuối cùng chia cắt hoàn toàn sân bay địch. 9 giờ sáng cùng ngày, pháo binh địch từ Mường Thanh, điểm cao 204, súng cối ở điểm cao 206 và các loại hỏa lực bộ binh từ trục hào ngang bắn dữ dội vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 16. Sau 40 phút bắn phá, khoảng một trung đội lính Âu-Phi từ trung tâm tiến theo trục đường đánh vào các tuyến phòng ngự của ta. Ở tuyến 1, quân ta chờ địch đến gần mới đồng loạt nổ súng; địch bị đánh bất ngờ, một số chết, số còn lại tháo chạy về phía trung tâm. Pháo, súng cối của trung đoàn, sư đoàn bắn vào sân bay và khu vực địch tập trung ở ngã tư tiêu diệt một số địch, một lần nữa cuộc tiến công của địch bị đánh bại.

Sáng cùng ngày, địch tung Tiểu đoàn dù số 6 tiến công vào trận địa của Trung đoàn 88. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt từ sáng đến chiều tối. Ba lần địch chiếm được các vị trí tiền duyên của ta nhưng đều bị bộ đội Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh bật trở lại.

Rút kinh nghiệm trận đánh cứ điểm 106, Trung đoàn 36 chủ trương diệt cứ điểm 206 bằng cách bí mật đào hào lấn dũi, luồn qua các lớp hàng rào dây thép gai của địch, vừa đào hào vừa xây dựng trận địa cho hỏa lực và xung lực; đồng thời chủ động dùng hỏa lực phá hủy trước các ụ súng, lô cốt địch ở vòng ngoài. Cách đánh sáng tạo nêu trên được Trung đoàn gọi là chiến thuật vây lấn. Trung đoàn tổ chức một tuyến hỏa lực gồm có badôka, súng cối 82 ly và một số tay súng bắn tỉa chế áp địch trong đồn, tạo điều kiện cho bộ đội ta đào hào vây lấn.

Ở Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm của địch chỉ còn nối liền với bên ngoài bằng một cầu hàng không hoạt động một chiều, vì không còn giải tỏa được binh lính bị thương; địch suy sụp tinh thần, nhiều tên đào ngũ, xin về phía ta.

Ngày 22-04-1954

Đêm 21 rạng sáng ngày 22/4/1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nổ súng đánh chiếm lô cốt đầu cầu. Nhờ có chiến hào lấn dũi vào gần, bộ đội ta nhanh chóng chiếm được trận địa tiền duyên của địch. Địch hoang mang, đối phó lúng túng. Tranh thủ thời cơ thuận lợi, Trung đoàn 36 ra lệnh bộ đội tiến công dứt điểm. Chỉ sau hai giờ chiến đấu, quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm 206, diệt và bắt một đại đội lính lê dương.

Vào lúc 22 giờ đêm ngày 22/4/1954, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 tổ chức diệt cứ điểm 206 (Huguette 1). Theo đó, Trung đoàn 36 lệnh dùng những phân đội nhỏ đánh vào cứ điểm chiếm một số lô cốt đầu cầu. Số đạn lựu pháo dành yểm trợ cho đơn vị cũng giống như mọi đêm, 20 quả. Nhưng khi lựu pháo mới bắn tới phát thứ 13, thì xung kích đã yêu cầu ngừng ngay. Ba mũi tiến công cùng lúc từ lòng đất nhô lên, đặt bộc phá giật đổ ba lô cốt đầu cầu. Binh lính bán lữ đoàn 13 (BLE3) của địch kinh hoàng khi thấy những người lính đội mũ lá, cầm súng có lưỡi lê đã xuất hiện giữa đồn, chỉ còn cách giơ tay đầu hàng.

Không bỏ lỡ cơ hội quý giá, cả ba mũi đánh thốc vào khu sở chỉ huy. Chỉ trong vòng chưa đầy tiếng đồng hồ, bộ đội đã làm chủ hoàn toàn Huguette 1, bắt 177 lính lê dương; chiến công đó đã tạo thế vững chắc cho quân ta phát triển trận địa lấn sâu vào sân bay Mường Thanh.

Trung đoàn 36 được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Chiến dịch, gửi điện khen ngợi.

Nhằm tiêu diệt sức chiến đấu của đối phương, ngày 22/4/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch kêu gọi các chiến sĩ ở Điện Biên Phủ đẩy mạnh phong trào “săn Tây bắn tỉa”. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã phát động cuộc thi đua bắn tỉa trên toàn mặt trận.

Từ khi ta phát động bắn tỉa địch vô cùng khốn đốn, lực lượng bị thương không được cứu chữa kịp thời đã nảy sinh tình trạng bất mãn, bỏ trốn khỏi hàng ngũ…

Ngày 23-04-1954

Sáng 23/4/1954, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 đưa Tiểu đoàn 428 vào thay phiên, Tiểu đoàn 16 về củng cố, tiếp tục chuẩn bị cho trận chiến đấu mới. Sau hai ngày chiến đấu, Trung đoàn 141 đánh lui nhiều đợt tiến công của địch; diệt 63 tên, làm bị thương 48 tên, bắt hai tên địch, góp phần cùng các đơn vị siết chặt vòng vây quân địch ở trung tâm Điện Biên Phủ.

7 giờ 30 phút sáng cùng ngày, vài tên lính lê dương của bán lữ đoàn 13 chạy thoát về tới Mường Thanh báo tin Huguette 1 đã thất thủ. Đờ Cát-xtơ-ri (De Castries) đưa ra ý kiến cần phản kích giành lại vị trí đã mất.

Lăng-gơ-le (Langlais) Langlais và Bi-gớt (Bigeard) đều không tán thành, cho rằng làm như vậy sẽ hy sinh nốt những lực lượng ứng chiến cuối cùng của tập đoàn cứ điểm, kể cả trong trường hợp phản kích thành công thì địch cũng không còn lực lượng để duy trì Huguette 1 trước những cuộc tiến công mới sẽ còn tiếp tục.

Bi-gớt được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc phản kích, sử dụng các lực lượng dự bị còn lại khoảng gần 400 tên và dùng 12 máy bay tiêm kích - ném bom, bốn máy bay ném bom B.26 đánh phá hệ thống chiến hào trước cứ điểm Huguette 1 và một số mục tiêu.

Suốt từ trưa đến chiều ngày 23/4/1954, địch mở nhiều đợt phản kích lớn, huy động đơn vị cuối cùng là Tiểu đoàn dù lê dương thứ nhất, cùng với số quân còn lại của Tiểu đoàn dù số 6, là lực lượng thu gom của các cứ điểm bên trong.

Địch sử dụng hàng chục máy bay dội bom xuống trận địa ta nhiều đợt; toàn bộ hỏa lực của địch ở Hồng Cúm và Mường Thanh bắn dồn dập như đổ đạn về phía ta.

Suốt ba giờ, bộ đội Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 phối hợp chặt chẽ với pháo binh Mặt trận dũng cảm đánh bại cả bốn đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Cuối cùng, bằng một đợt phản kích dũng mãnh của hai Tiểu đoàn 23 và Tiểu 29 đã buộc địch rút chạy về Mường Thanh.

Ngày 24-04-1954

Sáng 24/4/1954, địch tung Tiểu đoàn dù lê dương số 2 cùng 5 xe tăng, có pháo binh, không quân yểm hộ mở đợt phản kích quyết liệt hòng đánh bật ta ra khỏi cứ điểm 206 và khu vực sân bay.

Không quân địch đã trút xuống khu vực này 600 quả bom hòng hủy diệt lực lượng ta và yểm hộ cho bộ binh, xe tăng của chúng phản kích. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co giữa ta và địch rất ác liệt.

Khi địch đột nhập được vào trận địa của Đại đội 213, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quốc Trị cho bộ đội tạm lùi về phía sau và yêu cầu lựu pháo 105mm bắn thẳng vào trận địa đối phương. Xác binh lính lê dương bị trúng đạn nằm ngổn ngang trong những đoạn hào sũng nước. Cuộc phản kích của địch bị bộ đội ta đẩy lùi. Các Đại đoàn 308, 312 đã thực hiện được việc đào hào cắt đôi đường băng. Sân bay trung tâm Mường Thanh đã hoàn toàn bị ta đánh chiếm.

Sau khi mất các cứ điểm 105, 206 và sân bay Mường Thanh, trận địa trung tâm của tập đoàn cứ điểm chỉ còn là một mảnh đất hẹp có diện tích khoảng 1 km2.

Trong ngày, địch tiến hành củng cố, tổ chức lại hệ thống phòng ngự tại các cứ điểm đang đóng giữ. Sau những đợt phản kích không thành công, trước sức ép của quân ta, địch rút khỏi cứ điểm Opéra; lực lượng trong cứ điểm hợp nhất với bộ phận đang đóng tại cứ điểm Huguette 2 (208).

Tại Paris, ngoại trưởng Mỹ Dulles đề nghị “giúp” Pháp 2 quả bom nguyên tử. Nhưng Ngoại trưởng Pháp Bidault không dám nhận, mà chỉ đề nghị Mỹ xúc tiến kế hoạch Vautour.

Ngày 25-04-1954

Ngày 25/4/1954, trong cơn hoảng loạn vì vỡ trận ở các mặt trận, quân Pháp cho máy bay ném bom vào trại tập trung Noong Nhai (thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên), giết hại 444 đồng bào các dân tộc thiểu số, hầu hết là phụ nữ và trẻ em; làm hàng trăm người khác bị thương.

Cùng ngày, Pháp được phía Mỹ thông báo “tạm gác thảo luận việc can thiệp quân sự vào Đông Dương để chờ kết quả của Hội nghị Giơnevơ sắp khai mạc”.

Trên chiến trường phối hợp: Đại đội 255 bộ đội địa phương tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) cùng du kích địa phương bám trụ, đánh trả quyết liệt hơn 1.000 quân địch, có 7 xe tăng hỗ trợ càn quét thôn Liệp Mai, xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Bộ đội và du kích đã dũng cảm chiến đấu, đẩy lùi 5 đợt tiến công của địch, diệt 102 tên địch, buộc chúng phải rút quân.

Tại trung Lào, để có lực lượng tiếp viện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ đang bị nguy khốn, ngày 25/4/1954, địch cho binh đoàn cơ động số 1 cùng ba tiểu đoàn lẻ và một tiểu đoàn pháo theo đường 12 rút về thị xã Tà Khẹt. Trên đường rút quân, chúng bị Trung đoàn 18 cùng lực lượng quân giải phóng Lào chặn đánh từng chặng, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, góp phần giam chân nhiều binh đoàn cơ động tinh nhuệ của chúng tại trung Lào, phối hợp có hiệu quả với mặt trận Điện Biên Phủ.

Cùng ngày, tại chiến trường Campuchia, Đại đội 40 thuộc Tiểu đoàn 302 chủ lực Phân liên khu miền Đông tiến công tiêu diệt đồn An Sông (tỉnh Prây Viêng) do một trung đội Commăngđô đóng giữ.

Ngày 26-04-1954

Ngày 26/4/1954, tại Điện Biên Phủ, được Mỹ giúp sức, không quân Pháp đã tập trung hàng trăm máy bay các loại tăng cường đánh phá các trận địa và đường giao thông của ta.

Tại trận địa Pa Luông, Đại đội 829, thuộc Tiểu đoàn 394 (Trung đoàn pháo cao xạ 367) bắn rơi một máy bay B-26. Trong khi đó, tại trận địa Khe Chốt, Đại đội 817 thuộc Tiểu đoàn 383 (Trung đoàn pháo cao xạ 367) cũng bắn rơi một máy bay B-26, bắt 2 phi công.

Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5/1954, các đơn vị thuộc Trung đoàn pháo cao xạ 367 còn bắn rơi một số máy bay địch. Trung đoàn pháo cao xạ 367 là nòng cốt của lực lượng phòng không chiến dịch, trong toàn bộ chiến dịch đã bắn rơi 52 máy bay địch, gồm 9 kiểu loại và bắn bị thương 117 chiếc khác.

Tại chiến trường Campuchia, sau thắng lợi tiến công tiêu diệt địch ở đồn An Sông (tỉnh Prây Viêng), ngày 26/4/1954, Tiểu đoàn 302 chủ lực Phân liên khu miền Đông tiếp tục tiến công các đồn Păng-càn-nhây, Kốt Cho, Tà Nốc... gây cho địch một số thiệt hại, góp phần làm cho sự tan rã của địch trên chiến trường Campuchia diễn ra nhanh chóng.

Ngày 27-04-1954

Ngày 27/4/1954, trong Hội nghị chính trị tại mặt trận, lực lượng thông tin liên lạc được giao nhiệm vụ chuẩn bị hệ thống loa phóng thanh cho đợt tiến công mới bằng địch vận làm tan rã hàng ngũ địch. Ban Thông tin chiến dịch đã điều động cán bộ, nhân viên kỹ thuật đem lên mặt trận bộ máy và hệ thống loa phóng thanh đã từng phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951) và Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt để làm công tác địch vận.

Cùng ngày, phong trào đoạt dù tiếp tế của địch tiếp tục diễn ra sôi nổi khắp các đơn vị tại Mặt trận Điện Biên Phủ và đã thu được một khối lượng lớn đạn dược, lương thực, thuốc men. Chỉ riêng Trung đoàn 5 tại Hồng Cúm, trong 15 ngày đã đoạt được của địch 120 tấn đạn dược và lương thực.

Phong trào “săn Tây bắn tỉa” cũng phát triển mạnh gây nhiều thiệt hại cho địch. Các loại súng lớn, nhỏ đều được bộ đội ta đưa vào tham gia bắn tỉa, làm cho tinh thần quân địch vô cùng căng thẳng, mệt mỏi. Chỉ riêng nửa cuối tháng 4, các chiến sĩ của Trung đoàn 57 đã diệt được 100 tên và làm bị thương 44 tên. Kỷ lục bắn tỉa thuộc về chiến sĩ Lục Văn Thông, trong một ngày diệt 30 tên địch.

Ngày 27/4/1954: Sử dụng hệ thống loa phóng thanh để làm công tác địch vận

Ngày 27/4/1954: Sử dụng hệ thống loa phóng thanh để làm công tác địch vận

Ngày 27/4/1954, trong Hội nghị chính trị tại mặt trận, thông tin liên lạc được giao nhiệm vụ chuẩn bị hệ thống loa phóng thanh cho đợt tiến công mới bằng địch vận làm tan rã hàng ngũ địch. Ban Thông tin chiến dịch đã điều động cán bộ, nhân viên kỹ thuật đem lên mặt trận bộ máy và hệ thống loa phóng thanh đã từng phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951) và Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh-Liên Việt để làm công tác địch vận.
Hào hùng chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông"

Hào hùng chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông"

Trong khuôn khổ chương trình nghệ thuật “Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông” do Trung ương Đoàn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tỉnh Điện Biên tổ chức tối 26/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban tổ chức đã trao giải Cuộc thi tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 70 năm ngày ký hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự tại Việt Nam; phát động Cuộc thi tìm hiểu 80 năm Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"

Quỹ Hy vọng tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ"

Tại Văn phòng Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT, Ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Hy vọng, cùng ông Olivier Brochet, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam ký kết thỏa thuận tài trợ Dự án “Hành trình tham quan lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ".