NHỮNG NGƯỜI LÍNH NÔNG BINH

DƯỚI CHÂN ĐÈO TẰNG QUÁI

Trong kế hoạch phát triển nông trường Quân đội Điện Biên năm 1958, 1 đại đội độc lập đã được lệnh hành quân ngược về Mường Ảng để giúp đồng bào địa phương khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Dưới chân đèo Tằng Quái, một hành trình vượt nắng, thắng mưa nhằm chinh phục tự nhiên cũng đã được bắt đầu.

Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Công nhân nông trường quân đội Điện Biên khắc phục chiến tranh, khai hoang ruộng đất sản xuất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc
Khi lòng ta đã hóa những con tàu
Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát
Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu

Vài năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết nên những vần thơ đầy cảm xúc trong phong trào kiến thiết kinh tế-xã hội Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng. Từ các tỉnh thành của miền bắc, hàng vạn thanh niên, trong đó nòng cốt là những người lính đã từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” một lần nữa lại vững tay cuốc, chắc tay cày cùng xây dựng tương lai mới cho mảnh đất phên dậu Tổ Quốc.

70 năm qua đi, những người muôn năm cũ kẻ còn, người mất. Nhưng câu chuyện về họ vẫn giống như một bản trường ca không thể phai trong lòng người hiện tại-bản trường ca mang trong mình sức mạnh của ý chí kiên trung, bền bỉ và hơn hết là tình yêu nồng nàn với đất và người Điện Biên.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Nhân Dân xin gửi tới bạn đọc những câu chuyện “vỡ đất, vỡ cát” đằng sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…

Từ ký ức Ông Ba mươi ở Mường Ảng...

Ông Bùi Kim Điều, năm nay đã 94 tuổi nhưng trí nhớ vẫn rất minh mẫn. Người cựu chiến binh Đại đoàn 312 đặc biệt mặn chuyện khi nhắc về những ngày chung sức xây dựng phân trường Mường Ảng..

Thời gian đó, cựu binh Bùi Kim Điều được huy động trở lại làm tuyến đường Tuần Giáo – cửa khẩu Tây Trang. Ông kể lại: "Hồi đó,  làm đường thủ công chủ yếu bằng cuốc xẻng chứ không phải máy móc như bây giờ nên rất vất vả, khó khăn. Hơn 5.400 thanh nhiên xung phong không quản ngại gian khó đã đào đất, phá đá, làm hàng trăm cây cầu, cống, mở thông hơn 100km tuyến đường từ huyện Tuần Giáo đi Tây Trang."

Ông Bùi Kim Điều kể về những ngày gian khổ ban đầu khi tham gia xây dựng phân trường Mường Ảng. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Ông Bùi Kim Điều kể về những ngày gian khổ ban đầu khi tham gia xây dựng phân trường Mường Ảng. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Tới cuối năm 1958, đơn vị ông chuyển vào Mường Ảng (khi đó thuộc huyện Tuần Giáo) để xây dựng phân trường mới và gần như ngay lập tức phải đối mặt với cả… núi khó khăn. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, thiếu cơ giới hóa nên sản lượng thấp. Chất lượng đời sống nhân dân trong vùng không cao.

Hạ sao thành nông binh, những người lính như Bùi Kim Điều lao ngay vào cuộc chiến đấu mới. Việc đầu tiên cần làm là ổn định chỗ ở. Do lúc này, Mường Ảng vẫn còn hoang sơ, nên tất cả cán bộ, chiến sĩ phải tự dựng khu tập thể. Người vào rừng cắt cỏ gianh, kẻ đi chặt gỗ dựng cột nhà, làm giường, chiếu… Cánh đàn ông xoay trần với nhau vài tuần thì cũng có cơ ngơi là mấy gian nhà cửa liếp đơn sơ.

Đoàn viên thanh niên và nhân dân huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên hân hoan chào đón các lực lượng về Điện Biên tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đoàn viên thanh niên và nhân dân huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên hân hoan chào đón các lực lượng về Điện Biên tham gia diễu binh, diễu hành tại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Thiếu thốn đủ bề, từ rau xanh hằng ngày đến gạo sắn nấu. Nhưng tất cả chúng tôi vẫn quyết tâm. Bởi để giành được hòa bình, hàng trăm, hàng nghìn đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống ở chiến trường”, ông Điều trầm ngâm kể lại.

Hai năm sau, khi đã ổn định chỗ ăn ở, ông đón vợ là bà Trần Thị Hoa từ quê Gia Viễn lên Điện Biên lập nghiệp. Bà được biên chế vào tổ sản xuất của nông trường. Ngày ngày, bà ôm theo cô con gái đầu Bùi Thị Hồng, khi ấy vừa mới  tròn1 tuổi lên nương, phát rẫy. Nắng to thì bà chặt cây, cắm xuống đất cho con chơi. Mưa thì cả hai cùng chạy tìm chỗ trú. Hết giờ làm, hai vợ chồng trẻ tiếp tục chặt cây rừng đem đổi cho đồng bào lấy thêm rau sắn…

Đáng sợ nhất ở Mường Ảng vẫn là HỔ

Khó khăn và vất vả là thế, nhưng điều khiến những hộ gia đình ở Mường Ảng lo sợ nhất vẫn là… hổ. Hổ táo tợn gầm vang một góc rừng, thê lương và đầy đe dọa. Hổ còn lặng lẽ về làng đêm đêm, khi phát hiện ra đàn gia súc của phân trường đang mỗi ngày một lớn.

Nhiều năm đã qua đi, nhưng chị Hồng vẫn không thể quên được ký ức về… ông Ba mươi ở Mường Ảng. Đêm ấy, khi đang ngủ say, cả nhà chị bỗng giật mình thức giấc khi nghe thấy tiếng bầy lợn được nhốt dưới chuồng kêu hoảng loạn. Kèm theo đó là âm thành gầm gừ, tiếng vật lộn dồn dập.

“Hổ về. Mọi người nằm im”, ông Điều nhổm dậy, khe khẽ quát vợ và con gái nhỏ. Bên ngoài, tiếng lợn kêu váng vất. Chị Hồng chỉ biết nép chặt vào lòng bà Lan, rấm rứt. Sau chừng 20 phút, không gian trở lại lặng phắc. Nhưng chẳng ai dám ra xem, mà nơm nớp thức. Tới rạng sáng, khi đi kiểm tra, chú heo nái trong chuồng đã biến mất. Dấu chân hổ to như cái bát ăn cơm còn in vành vạnh trên vệt máu khô trước cửa chuồng.

Ông Phạm Văn Ngân (sinh năm 1934, quê ở Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) cũng có nhiều năm gắn bó với Mường Ảng. Để lại bàn tay phải sau trận đánh đồi A1, người chiến sĩ tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 được huy động vào cùng phân trường với ông Điều. Dựng được một căn nhà đơn sơ, ông Ngân lúc nào cũng nơm nớp sợ… cọp beo.

 Chị Phạm Minh, con gái đầu của ông Ngân kể: Ngày còn bé, mỗi lần nghe tiếng À uôm từ vạt rừng, chị lại co rúm cả lại. Người ở Mường Ảng khi đó vẫn truyền tai nhau nhiều câu chuyện về hổ. Như có bác nọ đi làm về gặp hổ chỉ kịp trèo lên cột điện. Phía dưới, chúa tể sơn lâm vẫn đang chồm lên, đưa hai chân trước đầy móng vuốt với theo. Việc mất gà, mất lợn… cũng không hề hiếm gặp.

 Rất may, ông Ba mươi hình như cũng hiểu thấu nỗi vất vả, khó khăn mà những  chiến sĩ nông binh đang đối mặt nên không lần nào… bắt mạng người. Sau chừng vài năm, khi phân trường phát triển mạnh, dần dần, “ông” cũng lui dần vào rừng xa, trả lại “lãnh thổ” cho những người lính cũ…

… đến chuyện cây cà-phê di sản của chiến sĩ Điện Biên

Khi những khó khăn ban đầu dần qua đi, Nông trường Mường Ảng bước vào một giai đoạn phát triển mới. Từ năm 1960, cây mắc ten được đưa vào trồng đại trà, được mệnh danh là “quả đấm thép” trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo khi ấy. Dầu mắc ten được xuất sang các nước Đông Âu, trở thành điểm sáng thu hút hàng trăm hộ gia đình từ các tỉnh phía bắc vượt cổng trời Pha Đin về thung lũng dưới chân đèo lập nghiệp.

Tuy nhiên, càng về sau, mắc ten càng đánh mất đi vị thế. Mường Ảng lại rơi vào cảnh khó khăn và chỉ thực sự “đổi đời” khi cây cà-phê xuất hiện. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên từng hồ hởi nhắc tới cây cà-phê ở Mường Ảng như một minh chứng rõ nét cho công lao “vỡ đất, vỡ cát” của những cựu chiến binh Điện Biên năm nào.

Đèo Pha Đin năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Đèo Pha Đin năm 1954. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Một chiều cuối tháng 4, chúng tôi ngược đèo tới Mường Ảng để gặp ông Nguyễn Công Nuôi, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Ông quê ở Nghệ An, tham gia “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm” trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn giải hàng binh Pháp về Tuyên Quang sau đó lại được lệnh quay lên Điện Biên mở đường, xây dựng nông trường Điện Biên và Nông trường Mường Ảng. Ông nguyên là Phó Giám đốc nông trường rồi  Bí thư Đảng ủy thị trấn.

Dẫn chúng tôi ra thăm khu đồn điền xanh mướt mắt, ông Nuôi kể: 4 tháng sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. 4 năm sau, theo lời kêu gọi của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại đoàn 316 quyết định “lấy Tây Bắc làm quê hương”. Ông Nuôi xung phong vào xây dựng phân trường Mường Ảng, cùng người dân rà phá bom mìn, phát hoang, mở rộng nông trường, phát triển kinh tế.

"Kinh tế bao cấp, cơm không đủ ăn, phải độn ngô, độn sắn, thực phẩm hạn chế. Quần áo không đủ để mặc. Các trường học không có, chúng tôi phải đưa con ra ngoài Tuần Giáo để học," ông Nuôi bồi hồi nhớ lại.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường thăm hỏi động viên chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Công Nuôi ở tổ 11, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường thăm hỏi động viên chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Công Nuôi ở tổ 11, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng.

Sau giai đoạn phát triển “nóng” của cây mắc ten, phân trường Mường Ảng quyết định đẩy mạnh trồng cà-phê và mắc ca. Chính trong giai đoạn này, ông Nuôi là những một trong những người đầu tiên gieo những cây giống đầu tiên. Chẳng phụ lòng người, cây cà-phê hợp đất, hợp nước cứ lớn phổng phao, rồi ra hoa, kết trái. Vụ mùa đầu, ngửi mùi hạt thơm ngát, những người lính nông binh dưới chân đèo Tằng Quái ứa nước mắt. Thành quả của những tháng ngày vất vả đây rồi.

Cây di sản làm giàu

Thế nhưng, ngay cả những người như ông Nuôi, ông Điều cũng chẳng thể hình dung nổi, vài chục năm sau, cà-phê sẽ trở thành sản phẩm định danh và làm giàu cho người Mường Ảng.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt cho biết, cà phê Arabica Mường Ảng được trồng ở độ cao từ 700 - 1.700m so với mực nước biển, có hương vị thơm đậm đà của núi rừng Tây Bắc, có độ chua và hàm lượng cafein hoàn hảo; 100% là cà phê nguyên chất không pha trộn, không phẩm màu, không chất bảo quản, không phụ gia, không hương liệu hóa chất. Chất lượng cà-phê Arabica huyện Mường Ảng đã được các chuyên gia đánh giá cao có hương vị đặc trưng riêng không vùng nào có được.

Đặc biệt, sau giai đoạn phát triển “nóng và thiếu định hướng”, nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, cà-phê được hoạch định theo hướng chiến lược. Các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc được tổ chức để bảo đảm chất lượng cũng như năng suất. Với nhà đầu tư, doanh nghiệp chuyên về sản xuất, chế biến cà-phê, huyện thường xuyên gặp gỡ, thông tin chính sách hỗ trợ, cam kết tạo thuận lợi tối đa về thủ tục, chính sách để họ yên tâm đầu tư lâu dài.

Người dân Mường Ảng hưởng lợi từ cây cà-phê.

Người dân Mường Ảng hưởng lợi từ cây cà-phê.

Sản lượng cà-phê năm 2023 của huyện đạt hơn 40 nghìn tấn quả tươi, tổng doanh thu ước tính trên 500 tỷ đồng. Mùa thu hoạch tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động với thu nhập từ 7,5 triệu đồng đến 9 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, cà phê Arabica Mường Ảng được gọi là cây “xóa đói, giảm nghèo” cho người dân nông thôn miền núi.

Đến nay, diện tích canh tác cà phê tại Mường Ảng đạt khoảng 3.000ha, tập trung chủ yếu tại thị trấn Mường Ảng và 3 xã: Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở thuộc thung lũng huyện Mường Ảng, sản lượng trung bình quả tươi đạt 15 tấn/ha. Với mỗi ha cà phê, mỗi năm tạo công ăn việc làm rất lớn cho nhân dân trong và ngoài huyện, với mức thu nhập trung bình 40-60 triệu đồng từ công hái quả, bón phân, tỉa cảnh tạo tán…

Anh Nguyễn Ngọc Tứ, người trồng cà phê ở xã Ẳng Cang cho biết, từ 2ha đất nương chuyển đổi sang trồng cà phê ban đầu, sau nhiều năm thuê, mua đất nương của người dân để mở rộng thêm diện tích, đến nay gia đình anh đã có trên 20ha cây cà phê cho thu hoạch, thu nhập năm 2021 lên đến hàng trăm triệu đồng.

Những ngày tháng 5 lịch sử, nhìn những rãy cà-phê mướt xanh, ông Nuôi khẽ mỉm cười.  Ông bảo, có lẽ yếu tố làm thay đổi Mường Ảng chính là Đảng, là Bác Hồ, là sự dẫn dắt, lãnh đạo của Trung ương, địa phương và sự đồng thuận của nhân dân.

 “Sống đến tuổi này, được tận mắt thấy quê mình phát triển, tôi thật hạnh phúc và cũng rất tự hào khi mình cũng đã đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển ấy”, ông Nuôi xúc động nói.

Ngày xuất bản: 1/5/2024
Chỉ đạo: NGỌC THANH
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, NHẬT QUANG, TTXVN
Trình bày: BÌNH NAM