TS LƯU THỊ TUYẾT VÂN
Viện Sử học Viện Khoa học xã hội Việt Nam

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lịch sử và thời đại, kết thúc thắng lợi chín năm kháng chiến anh dũng đầy gian khổ hy sinh của nhân dân ta, chấm dứt hoàn toàn ách thống trị của thực dân Pháp gần một thế kỷ. Năm mươi năm đã qua, chiến công hiển hách ấy trở thành niềm tự hào của dân tộc và in đậm trong tâm trí của nhân dân các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Một trong những nguyên nhân đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ là sự đóng góp hết sức to lớn của các tầng lớp nhân dân ta, trong đó có phụ nữ.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, phụ nữ Việt Nam, bên cạnh thiên chức làm mẹ và làm vợ, đã luôn phải cùng với nam giới chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm khẳng định: Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đúc kết: Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ. Được Đảng tổ chức và lãnh đạo, trong gần một thế kỷ qua, phụ nữ đã có những đóng góp vô cùng to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Trong kháng chiến chống Pháp, trước khi bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng với toàn dân, phụ nữ đã tham gia vào mọi công việc của kháng chiến, đặc biệt là đã tham gia phục vụ hàng chục chiến dịch lớn. Đây là lần đầu tiên phụ nữ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch có lực lượng địch tập trung lớn, vũ khí hiện đại. Tại các chiến dịch này, phụ nữ trực tiếp tham gia vào các lực lượng vũ trang, trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch, tham gia dân công làm đường, tải lương, tải thương...

Vượt lên trên sự nguy hiểm đến tính mạng, sự thiếu thốn về vật chất và thể lực nhỏ yếu, phụ nữ vẫn luôn luôn có mặt và góp phần vào thắng lợi của nhiều chiến dịch, khiến kẻ thù cũng phải khiếp sợ. Trong Chiến dịch Biên giới, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đều là tỉnh miền núi, thưa dân, phần đông nam thanh niên đã đi bộ đội nên người đi dân công chủ yếu là phụ nữ và trung niên. "Chưa bao giờ có những đoàn phụ nữ Kinh, Mán, Thổ, Nùng... đi tiếp tế vận tải đông đảo như vậy... Khó nhọc, khổ sở, nguy hiểm mà vẫn hăng hái, vui vẻ, dũng cảm..."2.

Theo số liệu thống kê, trong số 18 chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công. Nếu chỉ tính riêng một số chiến dịch lớn (Biên giới, Trung du, Tây Bắc, Hòa Bình, Nghĩa Lộ, Điện Biên Phủ), phụ nữ đã đóng góp 50% số ngày công phục vụ chiến dịch. Tỉnh Thanh Hóa, hai phần ba số dân công phục vụ các chiến dịch là phụ nữ3.

Theo số liệu thống kê, trong số 18 chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công.

Trên các lĩnh vực đều có những phụ nữ xuất sắc. Ngày 16/9/1950, tại trận Đông Khê, nữ dân công Đinh Thị Dậu bảy lần vượt qua hỏa tuyến đưa thương binh ra khỏi trận địa. Nữ dân công Triệu Thị Soi chuyển đạn ra tận chiến hào, khi quay về cõng thương binh đi tắt đường núi để kịp cấp cứu4.

Ở Chiến dịch Biên giới, phụ nữ còn tham gia nuôi tù binh, cấp cứu sơ bộ và trao trả hàng trăm tù binh cho đối phương. Bà cụ Vĩnh (Nam Định), có sáu người con (năm trai, một gái) đều tham gia bộ đội. Bà cụ Mán ở Lào Cai có bốn người con trai đều là du kích và ba người đã hy sinh cho Tổ quốc...5.

Chị Ngọc Thị Tý người xã Nguyễn Trãi, huyện Thanh Ba (Phú Thọ) liên tục chèo thuyền đưa bộ đội qua sông Đà, có lần bị địch bắn chặn, chị vẫn bình tĩnh đưa thuyền vào bờ an toàn. Chị Phương cán bộ dân công gặp lúc trời mưa to, nước đến ngực, xung phong đội gạo lội qua suối, rồi giúp đỡ và cổ động mọi người đều sang, nhờ vậy mà bộ đội khỏi thiếu ăn6.

Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mế Thịnh, dân tộc Mường xã Cao Phong (Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã 80 tuổi vẫn cùng con cháu đi phục vụ Chiến dịch Hà Nam Ninh, Chiến dịch Hòa Bình, lo chỗ ăn, chỗ nghỉ, nấu cơm, nấu nước uống cho bộ đội, cấp cứu thương binh bất chấp địch bắn phá dữ dội. Chị Ngô Thị Tân, xã Châu Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang) mặc dù con còn nhỏ, chồng đi bộ đội, bố đi dân công vẫn gửi con để đi phục vụ Chiến dịch Hoàng Hoa Thám...

Cùng với phụ nữ phục vụ tại các chiến trường, phụ nữ hậu phương không quản thiếu thốn, đói rét hết lòng chi viện cho kháng chiến. Mẹ Phạm Thị Được, ở khu Tự Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã gửi cho Chủ tịch Hồ Chí Minh tờ trái phiếu 100kg thóc để làm giải thưởng thi đua sản xuất. Em Nguyễn Thị Lương, ở bến đò Mộc, xã Minh Quang (Bất Bạt, Sơn Tây), đi mót lúa bán lấy tiền giúp đỡ bộ đội. Trong hai tháng đầu năm 1951, tuy đói kém, phụ nữ Ngân Sơn vẫn góp được 2.230 bơ gạo tương đương với 1.061kg gạo cho kháng chiến...

Có thể nói, phụ nữ có vai trò rất to lớn trong việc phục vụ các chiến dịch. Họ chính là những người góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: "Trong cuộc kháng chiến to lớn của dân tộc ta, phụ nữ ta đang gánh một phần quan trọng"7.

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/1954, toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta tiêu diệt, lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" đang phấp phới bay trên nóc hầm tên bại tướng thực dân pháp Đờ-cát. (Ảnh: TTXVN)

2. Phụ nữ trực tiếp phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ trong điều kiện hết sức khó khăn và khốc liệt.

Tham gia mở đường chiến dịch. Điện Biên Phủ xa hậu phương, địa hình hiểm trở, địch tập trung đánh phá ác liệt các đường giao thông hòng ngăn chặn đường tiếp tế của ta (và chúng cũng dự đoán ta sẽ bị thua vì sẽ không khắc phục được giao thông, tiếp tế). Đèo Pha Đin, địch ném bom 18 ngày liền, có ngày chúng thả tới 160 quả bom. Đèo Cả bị bắn phá ròng rã gần hai tháng, có ngày bị ném tới 300 quả bom.

Địch thả bom hạng nặng để tiêu hủy mặt đường, kèm theo là bom nổ chậm vùi sâu dưới đất và sau đó rắc lên hàng trăm quả bom bướm nổ chậm. Tuyến vận chuyển thủy Nậm Na có vị trí quan trọng trong các tuyến cung cấp của mặt trận nhưng có rất nhiều khó khăn và nguy hiểm vì sông Nậm Na dài và có 103 cái thác, có thác dài 1.000m, lòng sông có đá ngầm. Trong khi vận chuyển nhiều mảng đã bị lật và nhiều dân công đã bị hy sinh...

Đào Pha-đin trên đường số 6 và đèo Lũng lộ trên đường 13, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đào Pha-đin trên đường số 6 và đèo Lũng lộ trên đường 13, nơi đã chứng kiến các cuộc hành quân lớn của quân đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Bước vào chiến dịch, Đảng ta nhận định, khó khăn lớn nhất của ta ở Điện Biên Phủ là vấn đề hậu cần mà chủ yếu là vấn đề đường sá. Nếu đường sá không được giải quyết thì không thể vận chuyển được. Ngày 16/9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng", "công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một chiến dịch mà các cô, các chú là chiến sĩ"8. Trong tình trạng đường sá như vậy ta lại phải vận chuyển một khối lượng vật chất rất lớn cho chiến dịch là một khó khăn vô cùng to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta9.

Để đáp ứng yêu cầu của chiến dịch, cùng với bộ đội, dân công nam, phụ nữ đã tham gia "chiến dịch làm đường" trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của địa hình và thời tiết miền núi. Họ phải chiến đấu với địch, với mưa lũ, đói rét, thiếu thốn, muỗi rừng, vắt, với bom đạn để tham gia làm đường như nam giới, "phải sống lén lút trong rừng sâu, sợ ruồi vàng, sợ lửa, sợ khói, sợ cả tiếng cười nô đùa”10. Trên khắp các tuyến đường giao thông quan trọng tới Điện Biên Phủ, hàng nghìn phụ nữ gồm cả người Kinh, người Tày, người Mường, người Thái, người Mông, người Hoa tham gia chiến dịch làm đường. Nhờ đó, mạng lưới đường chiến lược gồm cả các bến vượt sông, các bến phà dự bị đến Điện Biên Phủ đã được mở rộng và sửa chữa, tạo điều kiện để đưa gạo và đạn dược đến khu vực tập kết. Đã có nhiều phụ nữ dũng cảm xuất hiện.

Tại đèo Lũng Lô, phà Tạ Khoa, Cò Nòi, Sơn La, đèo Pha Đin… anh chị em dân công túc trực ngày đêm bảo đảm giao thông thông suốt để "không một lý do gì mà trì hoãn giao thông". Trên các tuyến đường khác, với khẩu hiệu "Bảo vệ giao thông tuyệt đối", phụ nữ đã dũng cảm làm việc ngay cạnh những hố bom nổ chậm, cạnh cái chết hàng tuần lễ cùng với bộ đội công binh chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, vượt phễu... Vì vậy, trong cả chiến dịch kéo dài, địch thả 6.000 tấn bom lên trung tuyến, nhưng chỉ có sáu, bảy ngày đêm xe bị tắc11. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 2.381.000 ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch12.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa. (Ảnh: TTXVN)

Tham gia tiếp vận, cứu thương và nuôi dưỡng thương binh. Không kể những phụ nữ trong các binh chủng quân đội, trên khắp các tuyến cung cấp và hỏa tuyến, phụ nữ đều có mặt. Họ phải làm các công việc hết sức nặng nhọc, trong điều kiện bom đạn nguy hiểm để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men cho bộ đội, tải thương, nuôi dưỡng thương binh, làm cấp dưỡng cho bộ đội...

Thí dụ, tại tuyến vận tải thủy Nậm Na, dân công và công binh đã không quản nguy hiểm tiến hành phá thác và cải tiến mảng để việc vận chuyển đạt hiệu quả cao gấp ba lần. Nhiều nữ dân công miền xuôi lên vốn chưa hề quen sông nước, đã cố gắng rèn luyện để điều khiển mảng, chuyển lương một cách thành thạo trong điều kiện "rét rừng thấm đến tận xương tủy. Mặc hết cả áo, đắp hết cả chăn mà đầu gối vẫn còn buốt" trong khi đó các chị chỉ có áo mỏng chở thuyền vượt thác. Có chị đã thức liền 30 đêm chạy lên chạy xuống chín cái thác để soi đèn, nến hướng dẫn cho các đoàn thuyền. Nhờ có các chị mà những đoàn thuyền trông như "những đoàn thủy chiến" đã đi tới Điện Biên Phủ một cách an toàn13.

Với tất cả khả năng và sức lực của mình, những phụ nữ ở mặt trận phải bốc vác nhanh, mang nặng và có trường hợp quên cả thân mình bảo vệ gạo. Trong lúc khẩn cấp, hai chị dân công tỉnh Vĩnh Phúc bốc xếp trong bốn phút được một xe hàng. Có chị là con một gia đình buôn bán ở thị xã Tuyên Quang, tuy vóc người mảnh mai nhỏ yếu nhưng đã phấn đấu gánh từ 18kg đến 64kg. Nhiều chị xông pha giữa bom napan để cứu hàng, ngụy trang.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp 2.381.000 ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ toàn chiến dịch

Nhiều nữ thanh niên xung phong leo đèo, lội suối vác đạn cối 105 ly vào các trận địa pháo. Có chị bị trúng bom napan vẫn lao mình vào cứu các hòm đạn. Những phụ nữ làm công tác tải thương đã hết lòng vì thương binh. Nữ dân công Thanh Hóa, Phú Thọ tải thương trong đêm tối liên tục trong mấy tháng chiến dịch, qua các ngọn đồi cao tới 400-500 bậc nhưng các thương binh nằm trên cáng vẫn được an toàn. Các chị còn nhường áo mưa, áo bông cho thương binh lúc trời giá rét... Nhiều chị đã quên mình hy sinh trong quá trình phục vụ chiến dịch.

Phụ nữ các dân tộc Tây Bắc đã tận tâm, tận lực phục vụ chiến dịch. Bước vào chiến dịch, Đảng rất coi trọng hậu cần tại chỗ và đề ra phương án tích cực tận dụng khả năng cung cấp và dân công của địa phương Tây Bắc và của Lai Châu... Phụ nữ Tây Bắc, đặc biệt chị em phụ nữ Lai Châu nhờ quen địa hình đã làm công tác dẫn đường, cùng với bộ đội, dân công ngày đêm vượt suối, băng rừng để tiếp vận, dựng lán, làm hầm cho thương binh, đào hào chống xe tăng địch.

Có cụ bà ngoài 70 tuổi đã phục vụ suốt Chiến dịch Tây Bắc vẫn xung phong phục vụ tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cụ và hai người nữa đã nuôi và chăm sóc 230 thương binh. Một mẹ già người Thái ở Mường Thanh, trong khi cả gia đình chỉ còn một ống muối vẫn kiên quyết tặng bộ đội.

Nhờ có sự đóng góp to lớn của phụ nữ mà trong suốt thời gian dài chiến dịch, vấn đề cung cấp đã được giải quyết tốt, bộ đội được ăn đủ tiêu chuẩn 0,8kg gạo cho một ngày. Thương binh được đưa kịp thời về hậu tuyến và được chăm sóc chu đáo.

Item 1 of 4

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn xe đạp thồ trên đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

3. Phụ nữ góp phần quan trọng củng cố và ổn định hậu phương, ra sức chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vấn đề hậu phương vẫn là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Hậu phương có ổn định thì mới bảo đảm việc cung cấp mọi nhu cầu cho mặt trận, ổn định tinh thần chiến sĩ ngoài mặt trận. Trong khi hầu hết nam giới đã được động viên ra tiền tuyến, thì mọi công việc khác ở hậu phương phần lớn do phụ nữ gánh vác.

Tham gia lực lượng vũ trang tiêu diệt sinh lực địch. Bước vào Đông Xuân 1953-1954, địch phải tập trung đối phó với ta ở Điện Biên Phủ nên ở nhiều nơi khác chúng bị sơ hở. Nhân đó, chiến tranh du kích của ta có điều kiện phát triển mạnh nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, kìm giữ lực lượng của địch tăng cường cho Điện Biên Phủ.

Chỉ tính từ 1951-1954, có gần một triệu chị tham gia dân quân du kích. Nữ du kích đã tham gia nhiều trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực phá đường giao thông, uy hiếp nhiều vị trí của địch. Đồng bằng Bắc Bộ là địa bàn chiến lược quan trọng của địch, là "cái then cửa của vùng Đông Nam Á" đã bị bộ đội và dân quân du kích tấn công liên tục trên khắp các vùng xung yếu.

Chỉ tính từ 1951-1954, có gần một triệu chị tham gia dân quân du kích. Nữ du kích đã tham gia nhiều trận đánh phối hợp với bộ đội chủ lực phá đường giao thông, uy hiếp nhiều vị trí của địch.

Nữ du kích đã cùng bộ đội tham gia tiêu diệt nhiều vị trí địch ở Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh; bức địch bỏ hàng loạt vị trí quan trọng ở Bắc Giang, Thái Bình, Hải Dương, Hà Đông; mở rộng các khu căn cứ của ta ở tả ngạn, hữu ngạn sông Hồng. Đường số 5, yết hầu của địch ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị quân ta phục kích, đánh đổ nhiều đoàn tàu và kìm chân 14 tiểu đoàn địch.

Nhiều nơi chị em phụ nữ đã cùng nhân dân và bộ đội bao vây đồn bốt, chống càn quét rất anh dũng. Ở Hà Nội, nữ du kích ở xã Long Biên dùng bãi sông Bồng Lai, Hạ Trại làm căn cứ, chịu đựng thiếu thốn đào hầm ngụy trang đánh địch lùng sục, thăm dò địch để giúp cán bộ hoạt động. Nhờ kiên trì bám trụ, đến tháng 4/1954, du kích Gia Lâm trở thành chỗ dựa của bộ đội chủ lực đánh trận phá 18 máy bay địch ở sân bay Gia Lâm. Nếu tính cả cuộc kháng chiến, có chị đã tham gia đánh địch hàng chục trận như chị Ngô Thị Mùi 25 trận, chị Nguyễn Thị Vân 15 trận...

Tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Ngày 8/2/1954, Trung ương Đảng ra chỉ thị nhấn mạnh "năm 1954 cần tuyển quân nhiều hơn mọi năm". Chị em phụ nữ đã động viên chồng con nhập ngũ. Đến năm 1954, từ khu V trở ra theo số liệu chưa đầy đủ, đã có gần hai nghìn gia đình có từ ba, bốn quân nhân trở lên. Hàng vạn gia đình có từ một đến hai quân nhân. Một số gia đình có hai, ba con gái và con dâu nhập ngũ. Nhiều gia đình đã có một đến hai con là liệt sĩ"14.

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Sau khi pháo binh ngừng bắn, các chiến sĩ xung kích của ta đã lợi dụng địa hình địa vật đang tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam, và tiêu diệt các vị trí của địch ở đây ngay trong ngày 13/3/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Về chi viện dân công, các làng xóm phải bình chọn người đi và cắt cử người ở lại để bảo đảm sản xuất. Ở vùng tạm bị chiếm Hải Phòng, Thái Bình, vào vụ Đông Xuân 1953-1954, bất chấp địch o ép mạnh, nhiều phụ nữ vẫn bí mật cùng với các đội dân công ra vùng tự do để lên mặt trận Điện Biên Phủ. Hàng vạn chị em phụ nữ Thanh Hóa xung phong đi tiếp vận sáu tháng đến bảy tháng liên tục. Nhiều chị em có con nhỏ vẫn tình nguyện đi phục vụ chiến dịch. Riêng thị xã Thanh Hóa có 152 chị tham gia làm đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ15...

Ở các địa phương, chị em phụ nữ cũng tích cực vận động mọi người đóng góp của cải, vật chất cho chiến dịch, tặng quần áo ấm cho người đi dân công. Đồng bào Mông khắc phục thủy thổ và tập quán để xuống núi. Đồng bào Thái cố học cách gồng gánh của người Kinh để tăng năng suất phục vụ. Anh chị em dân công xe thồ chuẩn bị xe đạp, cố gắng mua sắm phụ tùng tốt.

Phụ nữ nông dân đã hưởng ứng nhiệt liệt chính sách của Đảng và Nhà nước bất chấp khó khăn về thiên tai, sự phá hoại và đàn áp của giặc bám làng bám ruộng để sản xuất tăng sản lượng thóc và nộp nhanh, nộp đủ thuế. Nông dân vùng tạm bị chiếm chuyển thóc ra vùng tự do để đóng thuế cho Chính phủ. Có nơi nhân dân cất giấu thóc ngay tại địa phương để cung cấp cho bộ đội và du kích hoạt động ở vùng địch hậu.

Chị em phụ nữ vùng Tây Bắc cùng với gia đình họ đã đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch. Đồng bào đã đóng góp xe đạp, thuyền bè, voi thồ, ngựa thồ. Cả vùng Tây Bắc và vùng Trung Bộ đã huy động được hàng trăm voi để chuyên chở phục vụ kháng chiến. Phụ nữ Tây Bắc hăng hái xay thóc để cung cấp gạo cho bộ đội. Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ nhận định: vấn đề cung cấp sẽ không được giải quyết nếu không vận động được toàn thể đồng bào Tây Bắc đứng lên cùng bộ đội đánh giặc. Đồng bào Mông xưa nay chưa bao giờ xuống núi, phụ nữ Mông đã vận động chồng con đi dân công phục vụ chiến dịch và tòng quân.

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Bộ chỉ huy chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang bàn kế hoạch tác chiến cho từng trận đánh. (Ảnh: TTXVN)

Đấu tranh chống địch bắt lính, địch vận, ngụy vận. Đây là một công tác đặc biệt quan trọng trong kháng chiến. Do tình trạng thiếu quân số ngày càng trầm trọng, trong Đông Xuân 1953-1954, địch ra sức thực hiện chính sách "dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Chúng đã bắt cả thanh niên dưới 18 tuổi và phụ nữ đi lính và làm mật thám. Đảng coi công tác đấu tranh chống địch bắt lính là một nhiệm vụ trọng yếu và chỉ thị: "Phá kế hoạch bắt, lính của địch hiện nay là một nhiệm vụ quân sự và chính trị quan trọng của ta bên cạnh nhiệm vụ tác chiến"16. Phụ nữ vùng sau lưng địch vừa phải bảo vệ bản thân vừa phải tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh trực diện với địch với nhiều hình thức đấu tranh từ thấp đến cao.

Ngày 7/5/1954, tại Quảng Bình, 200 phụ nữ lăn ra đường cản đường xe địch bắt lính, cuối cùng chúng phải nhượng bộ17. Ở Gò Công, phụ nữ cùng cụ già, thiếu nhi tự vác giáo mác bao vây tháp canh gọi địch ra hàng18. Phong trào chống bắt lính phát triển mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ.

Tại Hà Nội, chị em có nhiều hình thức như chạy tiền cho con ra hậu phương, cho con lẩn tránh hoặc tự gây thương tích để khỏi bị bắt lính. Tháng 3/1953, có bà đã tự tử để phản đối việc chồng phải đi lính. Phụ nữ còn tổ chức các đoàn người gồm: bà già tóc bạc, chị em bụng mang dạ chửa, nách bế con thơ hoặc dắt theo trẻ em đi đấu tranh đòi cho chồng, cho con, cho bố trở về, tổ chức tiếp xúc với tân binh rồi đánh tháo tập thể...

Các hoạt động bao vây vị trí như ở Thanh Né, Vân Am, Nam An buộc địch phải rút chạy. Quân địch ở các vị trí Ân Xá, Mụa, Đông ở Tả ngạn, Hà Nam, trước sức mạnh của nhân dân, phải mang vũ khí ra hàng. Tính chung trong Đông Xuân 1953-1954, chỉ riêng phụ nữ đã vận động được 1.700 binh lính bỏ hàng ngũ địch về với gia đình19.

Công tác đấu tranh chống địch bắt lính, địch vận, ngụy vận đã góp phần phá tan âm mưu "dùng người Việt trị người Việt" của địch, hạn chế khả năng chúng tăng quân lên Điện Biên Phủ. Sự đóng góp của phụ nữ về mặt này đã làm thất bại kế hoạch của chúng. Trong một báo cáo gửi về Pháp, Nava đã phải ngậm ngùi báo cáo rằng: trong số 16.000 người Việt Nam vừa bắt vào quân đội (ngụy binh - T.G) thì 14.000 đã đảo ngũ. Tỷ lệ số lính không phục tùng mệnh lệnh chỉ huy lên tới 90%20.

Các chiến sĩ công binh đang cắt hàng rào dây thép gai mở đường cho các chiến sĩ xung kích tấn công tiêu diệt vị trí 206. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ công binh đang cắt hàng rào dây thép gai mở đường cho các chiến sĩ xung kích tấn công tiêu diệt vị trí 206. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, phụ nữ hậu phương còn có nhiều hoạt động khác làm suy yếu kẻ địch trên các mặt trận kinh tế, văn hóa ở khắp các vùng đô thị, nông thôn, vùng tự do, vùng tạm bị chiếm. Các cuộc biểu tình, bãi công, bãi khóa liên tiếp nổ ra. Các cơ sở kinh tế của địch luôn luôn bị phá hoại. Những chiến dịch tuyên truyền, cổ động nhằm vạch trần âm mưu của địch, khuếch trương thanh thế của ta thường xuyên được tổ chức.

Chị em còn tổ chức những hoạt động nhằm ủng hộ các chiến sĩ Điện Biên Phủ như Hội mẹ chiến sĩ chăm sóc thương binh, quyên góp quà gửi cho bộ đội, gửi hàng nghìn lá thư thắm tình quân dân ra tiền tuyến, tổ chức phong trào lên Điện Biên Phủ đón thương binh về chăm sóc... Nhiều chị em đã kết hôn với thương binh.

Sau thất bại ở Chiến dịch Biên giới, thực dân Pháp phải thừa nhận: "Các ông đã thắng là vì các ông có dân, không những nam giới mà cả phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến"21. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng vậy, Nava hy vọng biến Điện Biên Phủ thành một "pháo đài bất khả xâm phạm" làm cái "chốt", "cái bẫy", cái "máy nghiền" quân chủ lực Việt Minh ở Tây Bắc nhưng đã bị vỡ mộng. Với sự tham gia của đông đảo phụ nữ, vấn đề hậu cần trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được giải quyết, bộ đội ta không những không bị tiêu diệt mà còn tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm với trang bị hết sức tối tân của thực dân Pháp giành thắng lợi chấn động địa cầu.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều phụ nữ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ có thể không còn nữa nhưng những đóng góp phi thường của các chị đáng được khâm phục và chắc chắn được lịch sử dân tộc ghi nhận như những người con bất khuất của Tổ quốc. Tinh thần yêu nước của phụ nữ Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được phát huy cao độ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954-1975 và trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc từ sau năm 1954 và ở cả nước từ sau năm 1975. Huy động được khả năng và vai trò của phụ nữ, Đảng và Nhà nước đã ngày càng tin tưởng vào lực lượng phụ nữ và đã giao nhiều trọng trách cho phụ nữ. Do đó lực lượng phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

_____________________________________
1. Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia: Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Điện Biên, ngày 7, 8/3/2004.

Nội dung: 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sách Điện Biên Phủ, hợp tuyển công trình khoa học, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005
Trình bày: Ngô Hương