Cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại những kỷ niệm về chuyến đi làm phim ở Điện Biên Phủ, tôi vẫn còn bồi hồi và xúc động, bởi những kỷ niệm đó như vừa mới xảy ra...

Ngày đó, tôi còn là một thanh niên trẻ về tuổi đời và nghề nghiệp, nhưng đã có vinh dự được phụ trách một tổ quay phim chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ gồm có Ngọc Quỳnh, Trần Quý Lục và Nguyễn Văn Sinh. Cả tổ quay phim bốn người, chỉ có một máy quay Paya 16 ly và hai mươi hộp phim sống, mỗi hộp không quá ba mươi mét, vị chi là "số vốn" có trong tay không đầy sáu trăm mét phim âm bản.

Với vốn liếng ít ỏi đó, nỗi khổ tâm của chúng tôi là luôn luôn phải tự đấu tranh với mình để quyết định quay cảnh nào, không quay cảnh nào, trong khi diễn biến của chiến dịch có biết bao sự kiện khiến người quay phim không thể bỏ qua. Nỗi khổ tâm thứ hai đối với nghề nghiệp là lúc bấy giờ, chúng tôi thiếu thốn nhiều thứ, nhất là thiếu ống viễn kính, ống kính tê-lê thì làm sao quay những cảnh ở xa được? Thiếu ánh sáng, vì làm gì có "đèn đóm" đầy đủ như bây giờ. Cho nên mọi cảnh quay đều phải quay vào ban ngày, ở nơi quang đãng, không có bóng cây...

Cả tổ quay phim bốn người, chỉ có một máy quay Paya 16 ly và hai mươi hộp phim sống...

Tuy nhiên, có một cái chúng tôi không thiếu, đó là lòng quyết tâm và sự say mê nghề nghiệp chưa từng có! Chúng tôi được phân công xuống đơn vị chủ công của Sư đoàn 308 ngay từ cuối tháng 9/1953, "ba cùng" với đơn vị, hằng ngày xem đơn vị tập dượt đánh công kiên, cùng đơn vị hành quân lên đường ra mặt trận. Cái sợ nhất đối với chúng tôi lúc này là sợ ẩm mốc phim và máy quay. Sau mỗi buổi hành quân đêm, công việc đầu tiên của chúng tôi là rang gạo để chống ẩm cho máy và phim.

Vượt sông Hồng sang Yên Bái và Nghĩa Lộ, chúng tôi phần nào cũng mường tượng ra được hướng của chiến dịch sẽ mở. Bộ đội và dân công đi nườm nượp ngày đêm, lòng người ra trận vui phơi phới, biết bao hình ảnh xúc động đáng ghi vào phim, mà chúng tôi phải dằn lòng dành những mét phim ít ỏi cho những cảnh cần phải quay sau này.

Tổ quay phim khi đó chưa có kịch bản và đề cương như bây giờ. Lại càng không có sự phân biệt đạo diễn và quay phim. Phụ quay của tôi có Ngọc Quỳnh và Trần Quý Lục (cả hai nay đều là Nghệ sĩ Ưu tú). Còn Nguyễn Văn Sinh thì chịu trách nhiệm giữ gìn bảo quản phim là chủ yếu. Chỉ với một tổ quay phim mà chúng tôi đã đi từ bắc sang nam, từ đông sang tây, bám sát các chiến sĩ trinh sát quanh lòng chảo Điện Biên Phủ.

Chúng tôi đã quay được cảnh đại bác của ta rót vào đồi Him Lam, quay cảnh xung kích trước giờ xuất kích có văn công hát Tiến quân ca nghe rạo rực xúc động lạ thường! Ai cũng biết việc kéo pháo vào, kéo pháo ra lúc bấy giờ là hết sức bí mật, nhưng do phim bắt chậm, cần quay ở chỗ không có bóng cây, các chiến sĩ pháo binh đã phải bố trí công phu lắm chúng tôi mới quay được. Nghe nói có quay phim chụp ảnh, chiến sĩ ta vô cùng hào hứng phấn khởi.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! (Ảnh: TTXVN)

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo! (Ảnh: TTXVN)

Tôi nhớ quay cảnh đánh lấn; đánh chiếm sân bay; các chiến sĩ đã hướng dẫn cho tổ quay phim quan sát địa hình địa vật, xác định vị trí của người quay phim nên đứng ở đâu để có thể thu vào ống kính cảnh xe tăng và bọn lính từ khu trung tâm Mường Thanh "nống” ra giành giật lại từng đường hào, bị quân ta đánh bật chạy như vịt, cảnh các chiến sĩ ta bắn tỉa...

Nhưng có một cảnh mà chúng tôi đã bỏ công sức rất nhiều để quay cho bằng được, đó là cảnh máy bay giặc thả dù tiếp tế xuống lòng chảo Điện Biên Phủ trong lúc quân ta bao vây chặt chờ ngày khai tử cho cái tập đoàn cứ điểm này. Muốn quay được cảnh này, phải lên điểm cao (đồi D) mới thu vào ống kính dù rơi xuống lòng chảo. Những chiếc máy bay hai thân lượn vòng. Những chiếc dù trắng xanh, đỏ xòe ra như nấm... chính vào thời điểm đẹp nhất đó, tôi nhảy lên khỏi giao thông hào lòng đầy xúc động bấm máy. Ngọc Quỳnh và Quý Lục thấy tôi đứng dạng chân trên hai mép giao thông hào chân hơi run, đã nhảy lên mỗi người ôm lấy một chân của tôi cho máy khỏi rung.

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đẫm máu kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. (Ảnh: TTXVN)

Cảnh lính Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 23/3/1954 khi chiến dịch Điện Biên Phủ đẫm máu kéo dài 55 ngày đêm bắt đầu. (Ảnh: TTXVN)

Quay xong cảnh ấy, chúng tôi ôm máy chạy thật nhanh ra khỏi khu vực nguy hiểm thì vừa vặn moóc-chi-ê của địch câu lên! Cảnh quay này thật quý, không thể bị mất một cách dễ dàng, tôi liền cử Ngọc Quỳnh mang cuốn phim quay được về cơ sở ảnh ở Đồi Cọ (Quán Triều - Thái Nguyên) để in tráng xem kết quả. Từ mặt trận về Đồi Cọ nào có phải gần gì cho cam. Mấy trăm cây số đi bộ chứ có ít đâu. Lại còn bom đạn dọc đường... Và Ngọc Quỳnh đã phải đi lại như vậy đến bốn, năm lần như thoi đưa.

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các vị trí của địch trên đồi Him Lam bị trúng đạn pháo của ta đang bốc cháy, các vị trí trên đồi này đã bị tiêu diệt ngay trong ngày 13/3, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Tháng 3/1954, cơ quan cử thêm một tổ quay phim do anh Nguyễn Phụ Cấn và Nguyễn Thụ lên bổ sung cho Điện Biên Phủ và ít lâu sau lại cử thêm hai tổ quay phim do các anh Nguyễn Hồng Nghi, Phan Trọng Quý, Như Ái, Nguyễn Đăng Bảy... lên hỗ trợ thêm cho chúng tôi. Nguyễn Thụ được bổ sung cho tổ quay phim của tôi, thành năm người.

Hôm đó chúng tôi được lệnh đến Hồng Lếch để quay cảnh trao trả tù binh. Nếu đi đường vòng thì xa sẽ nhỡ mất cảnh quay, nên chúng tôi quyết định đi tắt qua bãi mìn mà công binh đã cắm biển báo. Toàn tổ dàn hàng một, tôi đi đầu, rồi đến Quỳnh, Lục, Sinh và đi cuối cùng là Thụ. Tôi ra lệnh toàn tổ phải theo đúng vết chân tôi mà đi, để tránh đạp phải mìn.

Đi được một quãng, Thụ bị trượt chân, chỉ nghe một tiếng nổ đánh bục, ngoảnh lại Thụ đã bị vướng mìn. Lục vội vàng cõng Thụ đến chỗ trao trả tù binh. Trong số tù binh Pháp ta trao trả có cả thầy thuốc. Trước thái độ bình tĩnh của Thụ, họ rất khâm phục. Không có thuốc mê, người thầy thuốc cứ thế đổ cồn 90 vào vết thương của Thụ để sơ cứu. Nét mặt Thụ vẫn bình thản không một lời rên la, họ càng khâm phục. Sau đó, Thụ được đưa lên cáng đến trạm quân y tiền phương ở cách đó bốn cây số để cứu chữa.

Người phụ quay để lại một bàn chân ở Điện Biên Phủ đó chính là đồng chí Nguyễn Thụ, Cục trưởng Cục Điện ảnh sau này. Còn anh Phan Trọng Quỳ cũng được phong là Nghệ sĩ Ưu tú và đã mất vì bệnh. Trần Quý Lục - người cõng Thụ nay cũng là Nghệ sĩ Ưu tú, Nguyễn Đăng Bảy được tặng huân chương....

Chúng tôi đặt tên phim một cách khiêm tốn là "Vài hình ảnh về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ", nhưng vì tên quá dài, sau này anh chị chỉ quen gọi vắn tắt là "Chiến thắng Điện Biên Phủ", hoặc cô đọng hơn là "Điện Biên Phủ". Phim có độ dài gần sáu cuốn, chiếu trong khoảng gần một tiếng. Tại Đại hội liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973, Điện Biên Phủ đã được tặng giải "Bông sen Vàng".

Nội dung: Trần Hải (Ghi theo lời đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi - tác giả chính phim Điện Biên Phủ), Báo Đại đoàn kết, số 9, 1984
Nguồn sách: "Điện Biên Phủ - Nhân chứng sự kiện", Nxb Quân đội nhân dân, 2014
Trình bày: T. Nguyên