Người chỉ huy trinh sát cánh Đông Điện Biên Phủ

Đại tá Nguyễn Việt, nguyên Trưởng phòng trinh sát Cục 2, nguyên chỉ huy lực lượng trinh sát cánh Đông Điện Biên Phủ thường có những buổi trò chuyện, tâm sự với một số chiến sĩ Điện Biên. Trong những buổi gặp mặt này, anh em cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu hào hùng, ác liệt ở lòng chảo Điện Biên năm xưa. Mỗi người mỗi chuyện, chuyện pháo binh, công binh, vận tải, quân y... nhưng chuyện mọi người ưa thích hơn vẫn là những mẩu chuyện trinh sát. Chẳng là vì những chuyện đó thường thầm lặng, hấp dẫn, ít được công bố trên đài, trên báo.

Chúng tôi được xem tấm “Sơ đồ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ” của quân viễn chinh Pháp vẽ ngày 17 tháng 12 năm 1953 ta thu được trong cặp sách của một tên sĩ quan Pháp bị tử trận trong lần tập kích của quân đội ta. Tấm sơ đồ vẽ chi tiết, chính xác đội hình chiến đấu của quân Pháp từ đồi Độc Lập, Bản Kéo thuộc phân khu Bắc, qua đồi Him Lam, đồi D, đồi A, tây sân bay, nam sân bay thuộc phân khu Trung tâm đến cứ điểm Hồng Cúm thuộc phân khu Nam.

Đại tá Nguyễn Việt kể:

- Từ trên một cao điểm gần Hồng Lếch, phân đội trinh sát của anh Trần Phận thuộc Cục 2 phát hiện máy bay địch thả nhiều dù xuống sân bay Mường Thanh. Một số dù rơi ra phía ngoài. Toán trinh sát tiềm nhập vào gần, chuyển ngay ra một chiếc dù đỏ chở hai hòm trong đó có một hòm chứa 25 tấm bản đồ tỷ lệ 1:25.000 và 32 tấm ảnh hàng không khu vực Điện Biên Phủ còn mới.

Anh Cao Pha, Cục phó Cục Quân báo chiến dịch đã cho chuyển ngay lên báo cáo anh Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng chiến dịch. Lập tức, các cán bộ tham mưu đã dùng ô-tô mang những bản đồ trên về hậu phương và sau đó hàng nghìn tấm bản đồ đã được in tái bản, đưa ra mặt trận, kịp thời sử dụng trong suốt chiến dịch.

Trong một bài viết của mình, nhà báo Pháp Béc-na Phôn, có mặt ở sở chỉ huy chiến dịch quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ thời kỳ 1953-1954 nhận định:

“... Những thiệt hại về sinh mạng của quân đội Pháp đã là một tổn thất nặng thì việc Việt Minh chiếm được những tấm bản đồ 1:25.000 khu vực Điện Biên mới in là một mất mát lớn hơn. Từ bản đồ này, pháo binh Việt Minh có điều kiện chỉ huy bắn với độ chính xác cao gây thiệt hại nặng cho quân viễn chinh Pháp sau này”.

Và đây, một tấm ảnh hàng không do giặc Pháp chụp từ trên máy bay khu vực Mường Thanh với những lời chú thích:

“Cao điểm Phích-típ, cao điểm Se-nơ... vành đai chiến hào quân Việt Minh ngày 1 tháng 5 năm 1954, ngày 3 tháng 5, ngày 5 tháng 5 năm 1954”.

Theo dõi những lời ghi chú trên tấm ảnh hàng không của giặc Pháp kết thúc ở ngày 5 tháng 5 năm 1954, anh em chúng tôi chuyện trò với nhau: “Chắc chắn hỏa lực ta không cho phép giặc Pháp có tấm ảnh hàng không ghi tiếp những ngày 6 tháng 5 và 7 tháng 5 năm 1954 vì đến 5 giờ 30 phút chiều 7 tháng 5 năm 1954, toàn bộ quân địch tại trung tâm Điện Biên Phủ đã đầu hàng, ta đã bắt sống được tướng Đờ Cát.

Từ một buổi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004), một ngày tháng 4 năm 2004 một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Đào Văn Trường (nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn Công - Pháo 351, người chỉ huy pháo binh cao nhất chiến trong dịch Điện Biên Phủ năm 1954), báo cáo với người Anh Cả quân đội tấm bản đồ chỉ huy hỏa lực ông đã dùng khi là chỉ huy pháo binh chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Đào Văn Trường trình bày với Đại tướng:

- Đầu chiến dịch, tôi được nhận tấm bản đồ này. Trên bản đồ, tôi ghi vị trí các đơn vị: Sở chỉ huy Đại đoàn 351, Đại đoàn 312, Trung đoàn trọng pháo cơ giới 45, đài quan sát và trận địa bắn một số đại đội lựu pháo, sơn pháo, súng cối, hỏa tiễn của ta.

Đại tướng chăm chú theo dõi trình bày của ông Đào Văn Trường, đọc và dịch những dòng ghi bằng tiếng Pháp trên bản đồ:

“Bản đồ Điện Biên Phủ, tỷ lệ 1:25.000, lưu trong hồ sơ 34W, xuất bản tháng 1 năm 1954 theo quyết định HV 1855 ngày 29 tháng 12 năm 1953 của chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông”.

Sau buổi gặp Đại tướng, ông Đào Văn Trường định mang tấm bản đồ cũ nhiều chỗ đã rách nát đi sửa lại thì anh Võ Hồng Nam, con trai Đại tướng, tìm đến gặp ông, nói:

- Ba cháu muốn mượn chú tấm bản đồ chiến lợi phẩm ở Điện Biên Phủ.

Xem kỹ tấm bản đồ anh Nam vừa đưa về, Đại tướng nói:

- Tấm bản đồ này quý lắm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ở Sở chỉ huy Mường Phăng có một số bản đồ chiến lợi phẩm. Tuy đây không phải tấm bản đồ thu được trong cặp tài liệu của Trung úy Ne-gơ-rơ bị bắn trong trận phục kích chiều 1 tháng 2 năm 1954 nhưng có thể cùng loại. Con đưa bản này sang Cục Bản đồ, đề nghị in và sao thêm một số bản để lưu giữ lâu dài.

Theo ý muốn người cha thân yêu, anh Võ Hồng Nam mang tấm bản đồ sang Nhà xuất bản Bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Anh Nguyễn Trọng Tuệ, Giám đốc Trung tâm Phát hành Bản đồ xem kỹ rồi chỉ trên bản đồ nói với con trai vị Tổng Tư lệnh chiến dịch:

- Anh Nam ạ! Đây là vị trí sân bay Mường Thanh, là... là...

Anh Tuệ dừng lại chớp mắt, xúc động nói tiếp:

- … là nơi bố tôi đã hy sinh 50 năm trước đây khi đánh vào Sở chỉ huy trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của tướng Đờ Cát.

Các bạn chiến đấu của bố tôi kể lại: “Ông đã ngã xuống và vĩnh viễn ra đi sau một loạt đạn bắn của giặc Pháp, lúc ấy vào khoảng sau 4 giờ chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, một tiếng đồng hồ trước khi chiến dịch kết thúc thắng lợi”.

Mấy hôm sau, anh Võ Hồng Nam nhận từ anh Tuệ tấm bản đồ đã được phục chế chu đáo, những chỗ rách đã được dùng ni lông vá lại, một miếng nhựa dày dán dưới, kèm theo một số bản sao rất đẹp đúng quy cách. Thay mặt anh chị em Trung tâm Phát hành bản đồ, Giám đốc Nguyễn Trọng Tuệ cho biết:

- Anh em chúng tôi đánh giá rất cao tấm bản đồ chiến lợi phẩm này nên đã tập trung hoàn thành nhanh chóng và có chất lượng cao nhiệm vụ mà Đại tướng giao.

Chúng tôi nói vui: “Đây là tấm bản đồ tuổi 50”.

Mang về báo cáo Đại tướng, anh nhận nhiệm vụ mang ngay đến trả lại ông Đào Văn Trường bản gốc và biếu thêm mấy bản sao.

Lời tâm tình bên những “tọa độ lửa”

Trong một buổi gặp mặt kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của một số chiến sĩ Điện Biên Phủ pháo binh sau này, đứng bên tấm “bản đồ tuổi 50”, có nhiều dòng chữ, ký hiệu do chính tay mình ghi trong 55 ngày đêm chiến dịch, ông Đào Văn Trường tâm sự:

- Đây chỉ là bản sao. Bản chính tôi đã gửi đến Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Giám đốc Lê Mã Lương đã cho treo bản đồ ở một vị trí trang trọng trong Viện Bảo tàng.

Ông chỉ vào từng điểm trên bản đồ nói tiếp:

- Một số anh em gọi những vị trí này là những “toạ độ lửa”. Đây, các chỉ huy sở Đại đoàn 351, Đại đoàn 312, Trung đoàn Tất Thắng... Đây là vị trí trận địa Đại đội 806 Trung đoàn Tất Thắng đã bắn những loạt đạn pháo mở màn chiến dịch; đây là trận địa tiểu đoàn hỏa tiễn 6 nòng H6 đã phóng những loạt hỏa tiễn trong đợt Tổng công kích cuối cùng giành thắng lợi quyết định chiến dịch chiều 7 tháng 5 năm 1954; đây trận địa khẩu sơn pháo 75 của Anh hùng Phùng Văn Khầu cố thủ trên đồi E từ giữa đến cuối chiến dịch.

Hy vọng “tấm bản đồ chiến lợi phẩm sẽ được giữ tốt trong Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự đến kỷ niệm lần thứ mấy trăm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ và sẽ còn tồn tại mãi với thời gian”.

Đại tá Bạch Ngọc Giáp, người Trung đội trưởng Đại đội 806 đã trực tiếp quan sát sửa bắn cho những loạt đạn pháo 105 ly bắn vào Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ chiều 13 tháng 3 năm 1954, chỉ trên bản đồ, trình bày:

- Còn đây là vị trí 101A, 101B, 102 ở cứ điểm Him Lam; 103 ở cứ điểm Độc Lập; 201, 204, 301, 304 tại các cao điểm A, C, D, E gần sân bay và Chỉ huy sở Mường Thanh.

Trung đoàn phó Trung đoàn trọng pháo cơ giới Tất Thắng Nguyễn Thước nói:

- Sau khi ta đã làm chủ cứ điểm Him Lam, các trận địa pháo binh 155, 105, 120 của địch sau đồi D bắn mạnh vào đội hình quân ta. Hầu hết các pháo địch đều nằm sau các khối chắn khó phát hiện. Nhận lệnh chế áp pháo binh địch, Trung đoàn trưởng Hữu Mỹ, Chính ủy Nam Thắng, tôi và đồng chí Lưu (cố vấn Trung Quốc) dò tìm ngay trên tấm bản đồ chỉ huy những mục tiêu pháo binh địch 203, 203B, 210, 307A, 307B rồi quyết định dùng năm đại đội bắn 200 phát đạn trên nhiều cự ly. Sau đợt phản pháo, pháo địch phải tạm ngừng hoạt động, bộ binh ta đã đánh chiếm đồi Độc Lập sáng 15 tháng 3 năm 1954.

Đại tá Cao Sơn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo hỏa tiễn 6 nòng H6 ở Điện Biên Phủ vừa chỉ từng vị trí trên bản đồ vừa nói:

- Cuối đợt hai chiến dịch, tôi nhận lệnh làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn H6 vừa xây dựng ở Tuần Giáo 22 tháng 4 năm 1954. Đây là đơn vị hỏa tiễn đầu tiên của quân đội ta.

Vị trí trận địa tiểu đoàn đặt bên đường 42 trong một bản làng dân đã sơ tán hết. Đài quan sát tiểu đoàn đặt trên một điểm cao phía trước. Anh Doãn Tuế, Tham mưu trưởng Đại đoàn được phân công đi cùng Tiểu đoàn H6 chỉ đạo chiến đấu suốt chiến dịch. Anh có điện thoại riêng nhận lệnh trực tiếp của Bộ chỉ huy chiến dịch ở Mường Thanh.

Đêm 6 tháng 5 năm 1954, trong đợt Tổng công kích, nhận lệnh trên, Tiểu đoàn H6 đã bắn cấp tập hỏa lực vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm ở trung tâm Mường Thanh. Sáng 7 tháng 5 năm 1954, anh Doãn Tuế nhận điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

“Kiên quyết đánh bại đợt phản kích cuối cùng của địch”.

Lúc 10 giờ, khi sương mù tan, chúng tôi quan sát rõ khoảng 200 tên địch từ Sở chỉ huy tiến đến cầu Nậm Rốm. Chúng tôi nhận lệnh bắn. Nhiều loạt hỏa tiễn được phóng một lúc đúng vào đội hình quân địch. Ở “toạ độ lửa” này, khoảng 5 phút sau, khi khói đã tan, không còn thấy bóng một tên địch nào qua lại.

Anh Đào Tam Trọng, người phiên dịch của tiểu đoàn chúng tôi cho biết: “Theo các đồng chí cố vấn: tính ưu việt của tiểu đoàn hỏa tiễn này là chỉ trong khoảng từ 8 đến 10 giây đồng hồ có thể phóng một lúc 72 viên đạn pháo, khi nổ văng ra hàng nghìn mảnh nhỏ có độ nóng trên 1.000 độ, có khả năng sát thương lớn”.

Cho đến 5 giờ 30 phút chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, trên đài quan sát chúng tôi thấy ở khu trung tâm Mường Thanh xuất hiện rất nhiều lá cờ trắng của giặc Pháp.

Ngay sau đó, một đoàn quân đồng chí chúng ta tiến vào giải phóng Điện Biên.

Gặp lại nhau trong thời gian chuẩn bị kỷ niệm ngày chiến thắng chiến dịch Điện Biên, những chiến hữu “chiến sĩ Điện Biên Phủ” chúng tôi say sưa ngồi bên những chiếc bản đồ, sơ đồ chiến lợi phẩm, cùng ôn lại những kỷ niệm thời gian trước.

Những tấm bản đồ chiến lợi phẩm chiếm được của địch từ nhiều nguồn khác nhau đã tạo điều kiện tốt cho các đơn vị pháo binh cùng các cán bộ chỉ huy, tham mưu các cấp xác định sự bố trí và các vị trí địch trong lòng chảo Điện Biên, góp phần kết thúc thắng lợi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ thời ấy.

Nhiều anh em đã chụp lại những tấm bản đồ chiến lợi phẩm đó, mang theo lên thăm chiến trường Điện Biên những ngày tháng 3 năm 2004. Những tấm bản đồ ấy được anh em “chiến sĩ Điện Biên Phủ” chúng tôi trân trọng giữ như những kỷ vật quý, như những “bài ca không thể nào quên” trong cuộc đời hoạt động của mình.

Trích từ Điện Biên Phủ - Ký ức 60 năm, NXB Quân đội nhân dân, trang 129
Ảnh: Thành Đạt (chụp tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ)
Trình bày: T. Nguyên